Chiều 6/10, đồng chí Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão trên biển Đông và ứng phó đợt mưa lũ sắp đến.
Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tại những điểm cầu ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Tại điểm cầu Phú Yên có đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan là thành viên của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13 giờ ngày 6/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 14,8 độ vĩ bắc, 114,2 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330km về phía đông nam; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/ giờ), giật cấp 8. Dự báo trong thời gian tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc và có khả năng mạnh lên thành bão…
Từ nay đến ngày 8/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tại khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi vàKon Tum phổ biến 300-500mm/đợt, có nơi trên 600mm/ đợt; ở khu vực từ Bình Định đến Phú Yên và Gia Lai phổ biến từ 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết, từ 19 giờ ngày 5/10 đến 12 giờ ngày 6/10, ở Phú Yên có mưa vừa, lượng mưa phổ biến từ 5-42,4mm. Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh ở mức dưới báo động cấp I. Hiện có 301 tàu cá với 1.655 lao động của Phú Yên đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó có 238 tàu cá với 1.400 lao động đang hoạt động xa bờ (vùng biển giữa biển Đông và đông nam quần đảo Trường Sa), 63 tàu cá với 255 lao động hoạt động gần bờ và đi về trong ngày (hoạt động vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận).
Hiện trên địa bàn tỉnh, lúa vụ mùa đã gieo sạ được 3.688ha (đang trong giai đoạn lúa mạ - trổ đòng); có 107.880 ô lồng của 2.549 bè nuôi thủy sản. Mực nước các hồ chứa thủy điện đang ở mức thấp, lưu lượng nước về các hồ chứa trung bình ngày phổ biến từ 21-430m3/s…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu các bộ, ngành có liên quan và các địa phương khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của ATNĐ, bão, mưa lũ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, trong đó cần lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp tại một số địa phương. Đối với các địa phương, yêu cầu tiếp tục rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi, nhất là đối với các tàu thuyền hoạt động xa bờ để hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc kêu gọi về nơi tránh trú an toàn; các địa phương chủ động cấm biển; đảm bảo an toàn vùng nuôi trồng thủy sản; tổ chức vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu hoặc đã đầy nước…
Sau khi cuộc họp kết thúc, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương trên địa bàn tỉnh để triển khai công tác ứng phó ATNĐ có thể mạnh lên thành bão và mưa lũ. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai các phương án ứng phó như Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã chỉ đạo. Khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đến nơi trú ẩn an toàn; kiểm tra các công trình, sẵn sàng phương án ứng phó với ngập lụt, triều cường, sạt lở; chủ động di dời dân đến nơi an toàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.
ANH NGỌC