Trong những ngày diễn ra kỳ thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tại cụm thi Quy Nhơn, hàng trăm phụ huynh ở Phú Yên đã lặn lội đưa con đến trường thi, cùng ăn, cùng ở để tiếp sức cho con em mình “vượt vũ môn”.
Phụ huynh đưa con em đi thi tại cụm thi Quy Nhơn - Ảnh: Bảo Trung |
Trong đợt thi đầu tiên tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008, phần lớn (TS) Phú Yên đăng ký dự thi vào ĐH Quy Nhơn và được bố trí thi ở một số điểm thi thuộc nội thành Quy Nhơn. Một vài thí sinh còn lại cùng với thí sinh các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Quảng Ngãi… phải thi ở các điểm trường thuộc huyện vùng ven như: An Nhơn và Tuy Phước, cách Quy Nhơn từ 20 đến hơn 30 km.
Dạo quanh các điểm thi, chúng tôi gặp nhiều phụ huynh quê Phú Yên đưa con đi thi, thấp thỏm đứng ngồi không yên khi con cái đang làm bài thi. Hầu hết thí sinh ở các huyện: Đồng Xuân, Tuy An, Sông Cầu đưa con đi thi bằng xe máy; thuê trọ với giá từ 25.000 – 40.000 đồng/người/ngày. Buổi sáng đầu tiên thi môn Toán, đề tương đối khó khiến không ít thí sinh phải… gác bút. Điều này càng làm gia tăng sự lo lắng của các bậc phụ huynh.
Anh Nguyễn Khắc Trung, 40 tuổi, ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân có con gái Nguyễn Thị Mai Ka, học Trường THPT Lê Lợi (Đồng Xuân), thi vào ngành Sư phạm Tin học – ĐH Quy Nhơn. Anh Trung cho biết: “Nhiều năm liền Mai Ka là học sinh khá giỏi, nhưng đề thi môn Toán khó nên chỉ làm được khoảng 50%. Nhiều thí sinh khác có sức học yếu rất có thể sẽ bị điểm thấp môn này”. Hai bố con anh Trung còn ở lại Quy Nhơn đến hết đợt thi thứ 2, vì ngoài việc đăng ký dự thi vào ĐH Quy Nhơn, Mai Ka còn thi thêm ngành Sinh học – ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Qua khảo sát thực tế, hầu hết thí sinh Phú Yên đều đăng ký dự thi vào những trường ĐH lớn, với những ngành học “hot” nhất hiện nay như: kinh tế, tin học, ngoại ngữ và kiến trúc… Trong đó, khoảng gần 50% thi vào ĐH Quy Nhơn. Anh Trương Quang Lễ, 42 tuổi, ở xã Xuân Quang 3 có con gái là Trương Thị Thuý Diễm đăng ký thi ngành Vật lý - ĐH Quy Nhơn. Lý do chọn trường này, theo anh Lễ, là vì “trường gần nhà, có thể tiết kiệm được chi phí đi lại”. Theo thông tin từ anh Lễ, ở xã Xuân Quang 3 năm nay có hơn 30 thí sinh đi thi đại học.
Tình cảm và sự lo lắng dành cho con khi đi thi của anh Nguyễn Thanh Tùng (ở xã An Dân, huyện Tuy An) thật đáng nể phục. Anh Tùng làm nghề sửa xe, điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng vượt lên mọi thách thức, đứa con trai đầu của anh đã tốt nghiệp đại học. Em Nguyễn Thị Hạnh Sô, học sinh Trường THPT Trần Phú (Tuy An) – con gái út của anh Trung năm nay đăng ký thi vào ngành Kinh tế – ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. 3 năm phổ thông đều là học sinh khá giỏi, anh Trung rất hy vọng con mình sẽ “vượt vũ môn” thành công. Hạnh Sô thì ở trọ, với giá 40.000 đồng/ngày, còn anh Trung do điều kiện công việc nên sáng đi ra Quy Nhơn, chiều lại chạy xe máy về nhà. Anh tâm sự: “Vợ chồng tui chỉ còn đứa con gái út này. Nó thi đậu thì không có gì mừng hơn. Dù tốn kém, vất vả bao nhiêu, vợ chồng tui cũng gắng lo liệu được”.
Vì tương lai của con cái, dường như các bậc phụ huynh đều xem nhẹ mọi khó khăn, vất vả. Những kỳ vọng tốt đẹp ấy, mong rằng sẽ được đền đáp xứng đáng.
ĐÌNH PHÚ