Tối 29/6, tại Nhà văn hóa TP Tuy Hòa, Tỉnh Đoàn Phú Yên tổ chức chương trình ca nhạc từ thiện “Một trái tim - Một quê hương” lần thứ 2 nhằm chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trước khi chương trình diễn ra, chúng tôi đã gặp hai mảnh đời cần sự sẻ chia của cộng đồng.
Đặng Ngọc Ảnh (ngồi sau) được bạn chở đến trường
Khi được hỏi: Mong muốn lớn nhất của bạn là gì? Đặng Ngọc Ảnh, học sinh lớp 12C3, Trường THPT Trần Suyền (huyện Phú Hòa) trả lời không chút đắn đo: “Em chỉ muốn được đi học thôi!”. Khi Ảnh chào đời, ba mẹ cô suy sụp vì biết con mình bị ảnh hưởng chất độc da cam và mắc phải chứng bệnh bại liệt. Mới 2 tháng tuổi, Ảnh đã phải nhập viện để chữa trị. Dù gia đình nỗ lực chạy chữa nhưng chân tay Ảnh vẫn gầy tọp, đi đứng rất khó khăn.
Bao năm qua, Ảnh phải nhờ cha mẹ, bạn bè đưa đi học. Con đường đến trường lúc nào cũng xa hun hút. Cấp 1, đường từ nhà đến trường dài hơn 5km. Cấp 2, lại xa hơn, gần 7km. Với người bình thường đã không thuận lợi, với Ảnh lại càng gian khổ hơn. Những hôm trời mưa, đường làng lầy lội, mẹ Ảnh cõng con lội bộ gần 7km và phải cố không để cả mẹ lẫn con bị ngã. Nhiều hôm trở trời, cơ thể đau nhức nhưng vẫn cố gắng đến trường, Ảnh đuối sức, ngất trong lớp.
Lên cấp 3, đường đến trường dài thêm 5km. Lúc thì bố, mẹ, lúc thì bạn bè thay phiên nhau đưa Ảnh đến trường. Nhưng càng ngày sức khỏe của Ảnh càng yếu, phải thường xuyên đến phòng y tế của trường. Kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ Ảnh dè xẻn từng đồng để có tiền lo thuốc thang, sách vở cho con gái. Để đền đáp công ơn của ba mẹ, thầy cô, Ảnh đã nỗ lực trong suốt 12 năm học. Và phần thưởng dành cho sự cố gắng của cô học trò tật nguyền là những tờ giấy khen học sinh tiên tiến được treo khắp nhà.
Như nhiều bạn bè cùng trang lứa, Ảnh cũng muốn bước vào giảng đường đại học. Song với cô học trò này, điều đó quả thật rất khó khăn. Ảnh thổ lộ: “Em muốn thi vào khoa Công nghệ thông tin, sau này trở thành kỹ sư tin học để dạy cho những em nhỏ có hoàn cảnh không may như mình”.
15 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngày ở thôn Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) đã có 5 năm bán vé số. Tuy cơ thể không lành lặn, nhưng Ngày không muốn trở thành gánh nặng cho bà nội.
Gương mặt khắc khổ của Nguyễn Ngày
Năm cuối bậc tiểu học, cơn bạo bệnh ập đến, cướp đi sự lành lặn của đôi chân Ngày. Để chữa trị bệnh cho Ngày mà con gà, con heo, bộ bàn ghế trong gia đình nghèo cũng lần lượt “đội nón ra đi”. Sau một tuần hôn mê, Ngày tỉnh lại nhưng đôi chân của em đã không còn lành lặn và thính lực rất yếu.
Sau tai họa này, gia đình Ngày vốn đã nghèo càng lâm vào cảnh túng thiếu. Sức lực của mẹ em bắt đầu suy sụp, thường hay bệnh đau. Khó khăn chồng chất khó khăn, thế là Ngày được đưa về sống với bà nội. Hằng ngày, cậu bé tật nguyền này bán vé số, kiếm tiền đỡ đần bà.
Bà Nguyễn Thị Lệ, nội của Ngày, đã ngoài 80 tuổi, được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng 20 kg gạo. Còn Ngày, trước kia được trợ cấp mỗi tháng 195.000 đồng, nay tăng lên 240.000 đồng. Số tiền, gạo ấy quả thật vô cùng quý giá đối với hai bà cháu. Năm 2005, Ngày được tặng một chiếc xe lăn, hành trình tự kiếm sống của em đỡ nhọc nhằn hơn. Từ sáng tới chiều rong ruổi bán vé số khắp thị trấn, Ngày kiếm được từ 20.000 - 30.000 đồng tiền hoa hồng. Dịp lễ tết thì thu nhập khá hơn, khoảng 50.000 đồng. Cậu bé 15 tuổi phải lo toan chuyện áo cơm này tâm sự: Em chỉ mong có đủ sức khỏe để ngày ngày đi bán vé số giúp bà và tự nuôi mình.
VĂN TÀI - TẤN TOÀN