Ngày 28/4 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết về vấn đề đuối nước toàn cầu và chỉ định ngày 25/7 hàng năm là Ngày Thế giới phòng chống đuối nước (PCĐN). Năm 2021 cũng là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết này với chủ đề “Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống!”.
Theo ước tính, trên thế giới, mỗi năm có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước và đây là một trong mười nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5-14 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước.
Tăng cường kỹ năng phòng chống đuối nước
Theo Bộ LĐ-TB-XH, tỉ lệ tử vong do đuối nước rất cao và khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè và chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng), 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác.
Tại Phú Yên, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có hơn 700 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 69 em tử vong, hầu hết do tai nạn đuối nước. Riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn thương tích, 3 trẻ em tử vong do đuối nước.
Ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Phú Yên là tỉnh có hệ thống ao hồ, kênh mương khá dày đặc nên tình trạng trẻ em đi chơi vô ý bị tai nạn đuối nước xảy ra thường xuyên, nhất là vào mùa hè nắng nóng. Một số trường hợp trẻ em bị đuối nước do môi trường sống xung quanh chưa thật sự an toàn và sự lơ là của người lớn... dẫn đến những tai nạn đuối nước thương tâm.
Trước thực trạng trên, trong những năm qua, các sở, ban ngành trong tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tăng cường kỹ năng PCĐN cho trẻ như: Truyền thông về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các lớp dạy bơi và truyền thông về kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em độ tuổi 9-15...
Thầy Nguyễn Xuân Thiện, Hiệu trưởng Trường tiểu học Âu Cơ (TP Tuy Hòa), cho biết: Mọi năm vào dịp hè, nhà trường đều liên kết các hồ bơi trên địa bàn thành phố mở các lớp dạy bơi và trang bị kỹ năng bơi lội để PCĐN cho học sinh của trường. Tuy nhiên, hè năm nay do dịch bệnh COVID-19, các hồ bơi tạm thời đóng cửa; các em học sinh cũng được phụ huynh cho ở nhà để phòng tránh dịch bệnh. Nhà trường thường xuyên sử dụng mạng xã hội như nhóm Zalo, Facebook kết nối với phụ huynh nhắc nhở con em mình cẩn thận, vừa phòng tránh dịch bệnh vừa phòng tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên, chia sẻ: Trẻ em vùng sâu vùng xa rất mê tắm sông suối, nhất là dịp hè... mà kỹ năng bơi lội cũng như PCĐN còn hạn chế, nên rất dễ xảy ra tình trạng trẻ bị đuối nước. Do đó hằng năm, trung tâm tổ chức các đợt truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước... cho trẻ em và người chăm sóc trẻ em khắp nơi trong tỉnh, đặc biệt là các địa phương có nhiều sông suối, ao hồ để trẻ có thêm kiến thức về tự bảo vệ bản thân, tránh tắm sông suối ao hồ khi không có người lớn đi kèm...
Đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Nhằm hưởng ứng sự kiện toàn cầu Ngày thế giới PCĐN của Liên Hợp Quốc, Sở LĐ-TB-XH đã có công văn đề nghị phòng LĐ-TB-XH các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hưởng ứng và tăng cường công tác truyền thông về PCĐN cho trẻ em. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống.
Trước thực trạng đuối nước ngày càng tăng, UBND tỉnh cũng đã có công văn lưu ý các địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai việc rà soát các vị trí mặt nước, hồ, ao, sông, suối, công trình công cộng, công trình xây dựng trên địa bàn để phát hiện kịp thời các nguy cơ trẻ đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác; thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở, bảo đảm môi trường sống an toàn cho mọi trẻ em. Các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về PCĐN trẻ em; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCĐN trẻ em đến từng trường học, lớp học, thôn, buôn, xóm, khu phố; giáo dục, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ tai nạn thương tích, đuối nước; triển khai, mở rộng việc dạy bơi cho trẻ em; vận động các gia đình chủ động đưa con đi học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Hòa cho biết: Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, địa phương vừa tăng cường phòng chống dịch, vừa chăm lo giải quyết các vấn đề chính sách hỗ trợ cho người dân. Hưởng ứng Ngày thế giới PCĐN, cán bộ lao động xã hội các xã, thị trấn, thôn, buôn tăng cường hỗ trợ cho người dân trong vùng dịch, đồng thời tuyên truyền, kêu gọi mọi người dân ở nhà, chăm sóc trẻ cẩn thận; không để trẻ em tắm sông, tắm suối khi không có người lớn vì có thể xảy ra tai nạn đuối nước.
Sở LĐ-TB-XH đề nghị phòng LĐ-TB-XH các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hưởng ứng và tăng cường công tác truyền thông về PCĐN cho trẻ em. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh |
KIM CHI