Mặc dù chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, công tác truyền thông gặp nhiều khó khăn, nhưng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh vẫn cố gắng đa dạng hóa các hình thức truyền thông về công tác dân số và phát triển, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác DS-KHHGĐ, cung cấp kịp thời các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), KHHGĐ đến các đối tượng.
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, KHHGĐ là một trong những dịch vụ y tế bị ảnh hưởng nhiều nhất trên toàn cầu do đại dịch COVID-19. Một số nơi, nhiều phụ nữ và trẻ em gái đang đứng trước nguy cơ bị bạo hành hoặc bị ép tảo hôn. Quy định giãn cách xã hội phòng chống dịch cũng khiến nhiều phụ nữ không thể tiếp cận được sự bảo vệ, hỗ trợ từ các tổ chức xã hội.
Đa dạng hình thức truyền thông
Ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh), chia sẻ: Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lực lượng cán bộ y tế dân số từ tỉnh đến cơ sở đều được chi viện cho ngành Y tế để phòng chống dịch bệnh.
Lực lượng nhân viên, cộng tác viên dân số các địa phương phần thì bị cách ly, phần ở trong khu vực phong tỏa... nên các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ, CSSKSS gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để các chính sách dân số đến với người dân thường xuyên, không bị gián đoạn, Phòng Truyền thông tham mưu Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đa dạng hóa hình thức, đối tượng tuyên truyền vận động.
Hiện toàn tỉnh có 1.650 cộng tác viên dân số, là những cán bộ đoàn thể, y tế thôn, buôn kiêm nhiệm và người dân nhiệt tình tự nguyện tham gia công tác DS-KHHGĐ. Những cộng tác viên thường xuyên truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng ở nhà trong thời điểm giãn cách xã hội, người cao tuổi.
Ông Nguyễn Vinh, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) cho biết: Nhằm thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới, thời gian qua, trạm đã có các bài viết truyền thông về DS-KHHGĐ phát trên hệ thống loa truyền thanh; tổ chức tuyên truyền lồng ghép lưu động, tuyên truyền qua mạng xã hội như nhóm Zalo nội bộ của các hội đoàn thể xã, thôn, buôn về công tác dân số gắn với tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Chị Nay Hờ Nguyên, cộng tác viên dân số ở buôn Ken, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh, chia sẻ: Buôn Ken có 219 hộ. Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, để chuyển tải đến họ về các biện pháp phòng chống dịch bệnh và công tác KHHGĐ, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, ngoài truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, chúng tôi còn truyền thông trên đài truyền thanh hoặc chia sẻ qua mạng xã hội.... Việc truyền thông bằng các hình thức này rất có tác dụng.
Còn chị Huỳnh Nguyễn Hoàng Linh, cán bộ chuyên trách y tế phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa, nói: Trong thời gian dịch bệnh, trạm cũng đổi mới cách tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ, ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp kịp thời các dịch vụ KHHGĐ đến các đối tượng, đảm bảo 100% chị em phụ nữ được tư vấn SKSS-KHHGĐ đầy đủ.
Từng bước nâng cao chất lượng
Trước những khó khăn và xáo trộn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các quốc gia, tổ chức thành viên cùng hành động để đảm bảo điều kiện CSSKSS cho mọi người dân trên thế giới. Đội ngũ nhân viên y tế cần được trang bị đầy đủ các phương pháp bảo hộ để có thể hỗ trợ phụ nữ mang thai một cách tận tình, hiệu quả. Việc duy trì những cơ sở khám thai và các dịch vụ hỗ trợ sinh sản có thể giúp giảm tối đa tình trạng tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các hoạt động truyền thông về dân số, cung cấp các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xác định công tác dân số là nội dung quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy mặc dù dịch bệnh đang hoành hành, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh vẫn tăng cường truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về công tác dân số. Đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh truyền thông về công tác này.
“Chi cục DS-KHHGĐ sẽ tiếp tục chỉ đạo đa dạng hóa hình thức truyền thông về dân số và phát triển, chú trọng truyền thông qua nhóm Zalo, Facebook của các hội, đoàn thể cơ sở, nhóm nghề nghiệp, trung tâm y tế các địa phương... Qua đó góp phần duy trì tỉ lệ dân số tự nhiên, giảm tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Xác định công tác dân số là nội dung quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy mặc dù dịch bệnh đang hoành hành, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh vẫn tăng cường truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về công tác dân số. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh |
HOÀNG LÊ