UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết 68). Trước thông tin này, NLĐ, nhất là lao động tự do rất phấn khởi và kỳ vọng chính sách này sẽ tiếp sức cho họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Nhiều nhóm đối tượng được thụ hưởng
Đại dịch COVID-19 đã làm nhiều NLĐ mất việc làm, tạm nghỉ hoặc nghỉ giãn việc và giảm thu. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Do đó, Nghị quyết 68 được xem là một giải pháp thiết thực của Chính phủ nhằm góp phần hạn chế những tác động tiêu cực, hỗ trợ các cơ sở phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho NLĐ.
Theo Nghị quyết 68, đối tượng thụ hưởng được mở rộng, bao gồm: NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021, đang tham gia BHXH bắt buộc được hỗ trợ 1,8 triệu đồng; nghỉ việc không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng từ 1 tháng trở lên được hỗ trợ 3,71 triệu đồng. Đặc biệt, điểm mới trong chính sách hỗ trợ lần này là dành sự quan tâm tới phụ nữ và trẻ em.
Cụ thể, các trường hợp NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ chưa đủ 6 tuổi. Đối với lao động bị nhiễm COVID-19, chính sách lần này hỗ trợ toàn bộ tiền ăn. Riêng trẻ em sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ. Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 cũng bổ sung nhiều chính sách mới như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức hỗ trợ.
“Tỉnh đang khẩn trương triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội năm 2021 theo Quyết định 23, theo nguyên tắc áp dụng điều tốt nhất cho NLĐ, đúng đối tượng, tạo điểm tựa cho họ vượt qua khó khăn; đồng thời ưu tiên hỗ trợ các nhóm đối tượng có đầy đủ cơ sở pháp lý là hộ kinh doanh cá thể, những người phải cách ly tập trung và đang điều trị COVID-19 tại cơ sở y tế. UBND tỉnh đã bố trí gần 30 tỉ đồng để hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này… ”, ông Võ Văn Binh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết.
Niềm vui lớn cho người lao động
Một trong những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 được thụ hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng của Chính phủ, đó là NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
Theo cô Lê Thị Thu Thảo, giáo viên Trường mầm non Lam Thuyên, phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa, đợt dịch bệnh năm 2020, nhà trường phải đóng cửa hơn 3 tháng để thực hiện các biện pháp chống dịch. Cô Thảo và hơn 30 cán bộ, giáo viên đang làm việc tại trường phải nghỉ làm. Tình trạng này lặp lại từ cuối tháng 4/2021 đến nay. Những tháng nghỉ việc để phòng dịch là chừng ấy thời gian cô Thảo và đồng nghiệp không có lương. “Dịch COVID-19 kéo dài, trường tạm đóng cửa thì chúng tôi phải nghỉ việc không lương. Rất may mắn cho chúng tôi là đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ thiết thực với những tặng phẩm thiết yếu, hỗ trợ đóng BHXH… của chủ trường. Tuy vậy, cuộc sống vẫn rất khó khăn khi mọi chi phí sinh hoạt đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng. Qua thông tin báo đài, tôi được biết Chính phủ tiếp tục dành nguồn ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, tôi rất mừng. Mong rằng các thủ tục sẽ được đơn giản tối đa để NLĐ sớm nhận được khoản tiền hỗ trợ, ổn định cuộc sống”, cô Thảo chia sẻ.
Anh Nguyễn Tấn Hậu ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An cũng vừa được Công ty TNHH Du lịch - Vận tải Cúc Tư đưa tờ khai, khai báo về tình hình việc làm của mình để công ty cập nhập danh sách số lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Anh Hậu cho biết: “Cả tháng nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, tôi nghỉ việc nên không có thu nhập, cuộc sống rất khó khăn. Nhận được thông tin có gói hỗ trợ này tôi rất mừng. Tôi rất mong trong đợt này, NLĐ tự do có thể dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ, giúp giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”. Còn ông Phan Văn Lai, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Công ty CP Bá Hải (KCN Hòa Hiệp) cho biết: “Công ty đang lập danh sách số lượng lao động bị ảnh hưởng và có văn bản đề nghị cơ quan BHXH xác nhận để gửi UBND thị xã tổng hợp, thẩm định hỗ trợ theo văn bản triển khai của UBND tỉnh, giúp NLĐ phần nào ổn định cuộc sống do công việc, thu nhập bị cắt giảm…”.
Mặc dù chưa có số liệu khảo sát cụ thể về số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong đợt dịch lần này, song với những tác động của dịch trong thời gian dài thì chắc chắn con số này không phải là nhỏ. Hiện UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành chức năng có liên quan khẩn trương thực hiện để chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến tay NLĐ và người sử dụng lao động một cách nhanh nhất, phát huy hiệu quả.
Gói hỗ trợ mới với những cải cách về thủ tục hành chính sẽ giúp NLĐ và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Gói hỗ trợ được kỳ vọng sẽ là nguồn tiếp sức cần thiết, kịp thời giúp NLĐ, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cùng với Nghị quyết 68 của Chính phủ, hiện nay LĐLĐ tỉnh cũng đang phối hợp với các địa phương, các CĐCS tiến hành rà soát, triển khai chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch từ ngày 27/4 đến nay theo Quyết định 2606 của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phan Quốc Thắng |
NGỌC HÂN