Thời gian qua, huyện Phú Hòa đã vận dụng nhiều nguồn lực, chương trình, dự án giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Huyện Phú Hòa có 8 xã và 1 thị trấn với 39 thôn, buôn, khu phố. Dân số toàn huyện có 30.227 hộ với gần 107.000 người, trong đó người trong độ tuổi lao động đang tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên là 62.376, chiếm 58,3% dân số. Hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất và đời sống chưa đáp ứng yêu cầu, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt thấp so với bình quân của cả tỉnh.
Hỗ trợ người dân vay vốn tạo việc làm
Là huyện thuần nông, đại bộ phận nhân dân sản xuất nông nghiệp và một số ít làm dịch vụ nhỏ nên UBND huyện Phú Hòa xác định chương trình việc làm là một trong những chương trình ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành, được đưa vào nghị quyết đại hội đảng bộ huyện để thực hiện, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Ông Lê Bá Tự, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Hòa, cho biết: Triển khai chương trình việc làm giai đoạn 2016-2020, phòng đã phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, các doanh nghiệp tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về thông tin tuyển dụng lao động đi làm việc trong nước và xuất khẩu lao động tại 10 cụm với 643 người tham gia; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp tổ chức phiên giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh.
Hàng năm tổ chức thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu cung cầu lao động để làm cơ sở giải quyết việc làm cho người lao động. Công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực trong việc tạo việc làm, phát triển kinh tế của địa phương.
“Giai đoạn 2016-2020, huyện Phú Hòa đã giải quyết việc làm cho hơn 15.000 người, đạt hơn 109,5% (15.005/1.3700) chỉ tiêu giao. Trong đó, tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội 13.587 người; vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia việc làm 1.220 người; đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động 198 người, đạt 72% (198/275).
Tổng nguồn vốn đã được phê duyệt cho vay giải quyết việc làm hơn 32 tỉ đồng; số lao động được vay vốn giải quyết việc làm 1.220 người. Trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số 13 người, lao động là người tàn tật 18 người, lao động khác 1.189 người”, ông Tự thông tin.
Chị Lê Thị Sắc ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông, nói: “Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, con gái thì mắc bệnh tim bẩm sinh. Những năm qua, nhờ được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, tôi vay 10 triệu đồng để đầu tư, mở rộng, phát triển nghề nấu đậu miếng bán ở các chợ quê. Nhờ đó, cuộc sống cũng tạm ổn”.
Bà Diệp Thị Hoa ở thôn Phú Sen, xã Hòa Định Tây chuyên nuôi heo thịt để bán thì chia sẻ: “Nghề nuôi heo mấy năm trước gặp nhiều khó khăn. Giá cả bấp bênh, tư thương ép giá, rồi dịch bệnh... nên người nuôi toàn lỗ hoặc huề vốn. Có năm tôi nuôi 2 con heo nái, đẻ mỗi lứa được 6, 7 con heo con nhưng bị dịch bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng... coi như lỗ. Hai năm nay, nhờ có nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm, tôi đầu tư nuôi thêm vài con heo nái nữa. Nay giá heo con đang lên, đời sống dần ổn định”.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Theo UBND huyện Phú Hòa, mặc dù công tác giải quyết việc làm thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: thông tin tuyển dụng đến với người lao động còn chậm; công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động chưa thực sự tương xứng với tiềm năng; giải quyết việc làm chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp nên thiếu tính ổn định; việc khai thác nguồn dữ liệu liên quan đến lao động chưa đạt hiệu quả cao; công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách về việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động chưa được thường xuyên, sâu rộng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, ông Đinh Công Thạch cho biết trong giai đoạn tiếp theo, huyện Phú Hòa sẽ phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền các chủ trương, chính sách về việc làm, xuất khẩu lao động.
Đồng thời đẩy mạnh lồng ghép các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn để người lao động có nhiều cơ hội tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm việc làm ổn định hơn. Phú Hòa cũng tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyển sinh, vận động người lao động tích cực tham gia học nghề đảm bảo về số lượng và chất lượng đào đạo, góp phần tạo việc làm cho người động.
Giai đoạn 2016-2020, huyện Phú Hòa đã giải quyết việc làm cho hơn 15.000 người, đạt hơn 109,53% (15.005/1.3700) chỉ tiêu giao. Trong đó, tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội 13.587 người; vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia việc làm 1.220 người; đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động 198 người, đạt 72% (198/275). |
KIM CHI