Tại buổi Họp báo Chính phủ diễn ra tối 1/7, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết trong việc xây dựng Nghị quyết 68 về “hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19” lưu ý đến việc chăm lo cho nhóm lao động tự do bởi đây là những người bị ảnh hưởng sâu nhất vì dịch bệnh nhưng cũng khó triển khai hỗ trợ nhất.
Ông Dung dẫn các ví dụ thực tế từ việc triển khai gói hỗ trợ lần đầu theo Nghị quyết 42 năm 2020 và cho rằng việc thực hiện rất khó khăn. Vì thế, khi xây dựng Nghị quyết 68, Chính phủ xác định sử dụng ngân sách Trung ương để hỗ trợ với trường hợp này sẽ khó triển khai. Chính phủ sau đó quyết định vẫn hỗ trợ đối tượng này nhưng giao địa phương xây dựng danh sách người cần hỗ trợ.
Người đứng đầu Bộ LĐ-TB-XH cho biết bài học kinh nghiệm nêu trên đã được chỉ ra trong việc TP Hồ Chí Minh chi 668 tỉ đồng hỗ trợ người lao động trên địa bàn đồng thời nhấn mạnh chỉ có địa phương mới xác định được cụ thể những nhóm lao động tự do trên địa bàn như người lái xe ba gác, lực lượng bốc vác, người bán vé số…
“Bộ Lao động nhận định cách thực hiện này hợp lý hơn nhưng đề nghị phải đưa ra mức sàn, tối thiểu không dưới 1,5 triệu đồng/tháng hoặc không dưới 50.000 đồng/ngày. Ngân sách thực hiện nội dung này do địa phương cân đối”, ông Dung phân tích.
Với băn khoăn, gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng lần này có giải ngân song song với gói 62.000 tỉ theo Nghị quyết 42 trước đó, ông Dung cho biết tổng số ngân sách hỗ trợ từ khi dịch bắt đầu xuất hiện đến giờ là khoảng 160.000 tỉ đồng. Trong số đó, riêng việc thực hiện Nghị quyết 42 đã có 14,4 triệu người được thụ hưởng với tổng số tiền khoảng 39.000 tỉ đồng, riêng ngân sách nhà nước chi số tiền hỗ trợ là 13.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Dung khẳng định gói hỗ trợ lần này không chạy song song với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 vì thực tế chính sách đó đã kết thúc vào cuối năm 2020. Số tiền chưa sử dụng đã được chuyển sang sử dụng với những mục đích khác.
Theo Vietnam+