Với mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp..., công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chăm sóc sức khỏe người lao động (NLĐ) luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm triển khai.
Hàng năm có trên 30 doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ; tần suất TNLĐ chết người trong một số lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ như khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng, sản xuất kim loại và sản xuất hóa chất… giảm dần.
Đa dạng kênh truyền thông
Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020, triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ, các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ, hàng năm, Sở LĐ-TB-XH đều phối hợp với các cơ quan đa dạng hóa các kênh thông tin tuyên truyền dưới nhiều hình thức, như hỏi đáp, đối thoại chính sách pháp luật, thi an toàn vệ sinh viên giỏi…
Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ và thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các quy định pháp luật về ATVSLĐ được hướng dẫn tương đối đầy đủ tới NLĐ và người sử dụng lao động.
Tổ chức huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn OHSAS 18000 cho các đối tượng là chủ sử dụng lao động và cán bộ phụ trách ATVSLĐ ở các doanh nghiệp, NLĐ không có quan hệ hợp đồng lao động làm những nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trong khu vực phi kết cấu thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó nâng cao nhận thức, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật về bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn thân thể và tính mạng cho NLĐ, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Công ty CP Đầu tư quốc tế Phong Phú - Phú Yên (TP Tuy Hòa) hiện có hơn 2.000 lao động làm việc, chủ yếu là ngành hàng may mặc. Công tác ATVSLĐ luôn được công ty này đặt lên hàng đầu. Bà Nguyễn Thị Mỹ An, Trưởng Phòng Nhân sự công ty này cho biết: Đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm; nâng cao kỹ năng tay nghề cho NLĐ; xây dựng ý thức tác phong công nghiệp trong môi trường lao động, tạo sự phấn khích và hăng say lao động cho NLĐ.
Còn tại Công ty TNHH KCP Việt Nam (huyện Sơn Hòa), doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, có mặt tại Phú Yên từ hơn 20 năm qua, hầu hết NLĐ là lao động nông nghiệp chuyển sang. Cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức mọi mặt, nhất là nhận thức về pháp luật lao động, rèn luyện tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho NLĐ…, công nhân trong công ty đều được trang bị bảo hộ lao động.
“Hàng năm, nhân Tháng hành động ATVSLĐ, công ty đều thuê đơn vị thứ ba khám sức khỏe cho NLĐ; mời đơn vị chức năng huấn luyện ATVSLĐ; kiểm định máy móc, thiết bị vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ..., để đảm bảo công tác vận hành cũng như chăm lo sức khỏe NLĐ được thông suốt”, bà Lê Thị Vĩnh Tâm, Phó Giám đốc nhân sự công ty này cho biết.
Nhiều công ty chú trọng công tác ATVSLĐ, chăm lo sức khỏe, trang bị bảo hộ lao động cho công nhân. Ảnh: NGỌC HÂN |
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đảm ATVSLĐ cho NLĐ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo công tác ATVSLĐ, một số chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, cũng như chưa thấy hết được tác hại và hậu quả nghiêm trọng xảy ra nếu như NLĐ làm việc trong môi trường lao động mất an toàn, dẫn đến TNLĐ... Họ đổ lỗi cho việc sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nên hạn chế kinh phí thực hiện công tác ATVSLĐ tại đơn vị.
Thực tế cũng cho thấy, quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, người nông dân ngày càng được trang bị, sử dụng nhiều máy, thiết bị, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên nguy cơ TNLĐ, nhiễm độc ngày càng lớn, trong khi lực lượng làm công tác bảo hộ lao động ở cấp xã không có.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động tăng hàng năm cùng với sự chuyển dịch một lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp chưa được đào tạo, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất với trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng tay nghề thấp, chưa có tác phong làm việc công nghiệp... dẫn đến công tác ATVSLĐ còn bị xao nhãng.
Mặc khác, do khó khăn về kinh tế nên NLĐ sẵn sàng làm việc trong bất cứ điều kiện, môi trường làm việc nào miễn là có thu nhập, bất chấp các mối nguy cơ rủi ro đe dọa tính mạng của mình. Một số lao động không chịu khám sức khỏe định kỳ khi chủ sử dụng lao động tổ chức khám, không chịu thực hiện bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật mà yêu cầu quy ra tiền trả vào lương...
Ông Đinh Khắc Đô, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Kết quả triển khai chương trình ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020 đã tạo sự chuyển biến tốt trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ được nâng lên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động bố trí kinh phí cho công tác ATVSLĐ và đưa vào kế hoạch phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.
Sở LĐ-TB-XH tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai công tác ATVSLĐ hiệu quả. Trong đó, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được tư vấn xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện cho người làm công tác ATVSLĐ, NLĐ trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động nhằm giảm tần suất TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, góp phần ổn định cuộc sống và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Kết quả triển khai chương trình ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020 đã tạo sự chuyển biến tốt trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ được nâng lên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động bố trí kinh phí cho công tác ATVSLĐ và đưa vào kế hoạch phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Đinh Khắc Đô, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH |
KIM CHI