Thứ Sáu, 27/09/2024 06:20 SA
Sẻ chia gánh nặng với gia đình có người mắc bệnh tâm thần
Thứ Sáu, 14/05/2021 10:31 SA

Theo Cục Bảo trợ xã hội (BTXH) Bộ LĐ-TB-XH, tính đến cuối năm 2020, người bị rối nhiễu tâm trí, bệnh tâm thần ước tính chiếm hơn 10,5% số dân cả nước, tương đương 10,3 triệu người, riêng số người mắc bệnh tâm thần nặng khoảng 250.000 người.

 

Do áp lực cuộc sống, nhất là tại các đô thị phát triển, các bệnh lý tâm thần và những vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày càng gia tăng, ảnh hưởng rất lớn tới công tác BTXH, gây gánh nặng lớn cho cộng đồng và toàn xã hội.

 

Nắng nóng, người bệnh tâm thần dễ tái phát

 

Người tâm thần lang thang chợ Tuy Hòa. Ảnh: KIM CHI

Những ngày này, không khó bắt gặp hình ảnh những người tâm thần (NTT), rối nhiễu tâm trí lang thang trên các con đường, các chợ... trong toàn tỉnh. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đợt nắng nóng ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 16/5. Nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-370C, có nơi trên 370C. Mùa nắng nóng đang diễn ra gay gắt nên tâm trí của một số đối tượng trở nên bất thường, stress, tâm thần.

 

Bà Lê Tuyết Lan ở phường 4, TP Tuy Hòa, có em trai mắc bệnh tâm thần, nên không ngày nào ăn ngon, ngủ yên. Bà Lan nói: “Do việc làm ăn thất bại nên tinh thần em tôi suy sụp, stress, dẫn đến tâm thần. Gia đình đã đưa đi khám, điều trị nhưng hễ cứ đến mùa nắng nóng là lại lên cơn, la hét... Buổi sáng, tôi đi buôn bán thì em ổn định, nhưng đến trưa, nắng gắt là em lại đi lung tung, gặp ai cũng muốn đánh”.

 

Tại xã An Lĩnh (huyện Tuy An), những ngày tháng 5 này trời nắng như đổ lửa, vậy mà cha và chị của em Nguyễn Văn Phước cứ lang thang ngoài đường, rồi la hét hoặc vô ruộng, vườn của người khác phá phách. Phước cho biết em vừa phải chăm sóc cha vừa chăm lo cho chị đang mang bệnh trong người. “Đời sống gia đình em thật quá khó khăn khi bệnh tình của họ ngày càng nặng”, Phước nói.

 

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và BTXH tỉnh, cho biết: Đơn vị đang trực tiếp nuôi dưỡng, kết hợp điều trị cho hơn 50 NTT, rối nhiễu tâm trí, tăng gần gấp đôi kể từ đầu mùa dịch COVID-19 năm 2020. Chúng tôi luôn để NTT được điều trị theo kết hợp lao động, vui chơi, nghỉ ngơi để họ bớt căng thẳng.

 

Cần chăm sóc, nuôi dưỡng NTT cẩn thận

 

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, dự báo đến năm 2030, số người rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam sẽ chiếm khoảng 11% số dân, tương đương 12 triệu người. Trong đó, số NTT nặng thuộc diện BTXH chiếm khoảng 2,5% số người bị rối nhiễu tâm trí, tương đương hơn 300.000 người. Tính đến thời điểm này, khoảng 90% số NTT thuộc nhóm đối tượng có hành vi nguy hiểm với gia đình, cộng đồng, và những NTT lang thang ngoài xã hội được đưa vào trung tâm, phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, công tác chăm sóc, phục hồi các đối tượng này còn nhiều khó khăn.

 

Ông Nguyễn Văn Tụy, chuyên viên Phòng BTXH (Sở LĐ-TB-XH), cho biết toàn tỉnh hiện có gần 3.000 NTT, phần lớn họ đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nhiều gia đình do phải đưa người nhà đi chạy chữa trong thời gian quá dài đã không còn khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc, chỉ khi khánh kiệt về kinh tế mới đành lòng đưa người bệnh trở về nhà. Thời gian qua, tỉnh cũng triển khai những cơ chế, chính sách để công tác chăm lo, bảo vệ và tạo điều kiện cho những đối tượng xã hội, trong đó có NTT cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng được tốt hơn.

 

Theo ông Tụy, để việc chăm sóc, điều trị những người mắc bệnh tâm thần thật sự hiệu quả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, gia đình và người bệnh. Nhà nước cần tăng cường đầu tư kinh phí, nguồn lực để chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày càng hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, giảm bớt đói nghèo, mang lại hạnh phúc cho gia đình và người bệnh...

 

Còn theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, thời tiết nắng nóng, cơ thể con người như một máy điều hòa sẽ phải điều tiết để giải nhiệt cho cơ thể, khi đó cơ thể yếu đi, người mắc bệnh tâm thần dễ tái phát hơn. Do đó, người thân của người bệnh cần thường xuyên quan tâm, để mắt tới người bệnh. Người bệnh tâm thần phân liệt có thể đánh người, có hành vi nguy hiểm cho người khác… Người nhà tuyệt đối không để các vật dụng có tính sát thương, vật dễ cháy trong tầm quan sát của người bệnh vì khi tái phát dễ dẫn đến những hiểm họa khó lường. Cần để người bệnh ở nơi thoáng mát, cho người bệnh uống trên 2 lít nước/ngày.

 

Bệnh tâm thần không những là bệnh của não bộ mà còn là bệnh của toàn bộ cơ thể và còn do tác nhân gây hại của môi trường. Vì vậy, chữa bệnh tâm thần là chữa bệnh toàn diện, đòi hỏi nhiều liệu pháp: Liệu pháp hóa dược, liệu pháp tâm lý, liệu pháp sốc điện, liệu pháp lao động, liệu pháp thích ứng xã hội.

 

Để việc chăm sóc, điều trị những người mắc bệnh tâm thần thật sự hiệu quả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, gia đình và người bệnh.

 

Ông Nguyễn Văn Tụy, chuyên viên Phòng BTXH Sở LĐ-TB-XH

 

HOÀNG LÊ 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek