Thứ Bảy, 28/09/2024 12:21 CH
Đừng để nhân viên y tế bị tổn thương
Thứ Năm, 22/04/2021 15:00 CH

Cho dù bệnh nhân hành hung y bác sĩ, nhưng bác sĩ không thể bỏ mặc bệnh nhân. Sau khi lực lượng chức năng khống chế được bệnh nhân Nguyễn Mạnh Nhất, chính bác sĩ trực lãnh đạo bệnh viện đêm hôm đó đã xử trí các vết thương ở đầu cho bệnh nhân này. (Hình ảnh do camera của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên ghi lại)

Phải có lý do để nghề Y “được” xếp vào danh sách những nghề nguy hiểm. Làm nghề y, người thầy thuốc đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm và các bệnh nghề nghiệp nguy hiểm.

 

Theo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), có đến 5 nhóm bệnh mà nhân viên y tế có nguy cơ mắc trong quá trình làm việc, do: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm; các chất phóng xạ, bức xạ hồng ngoại, bức xạ tử ngoại…; hóa chất tiệt trùng, hóa chất trong phòng xét nghiệm…

 

Ngoài ra, nhân viên y tế cũng dễ mắc bệnh do khám chữa bệnh với cường độ cao, liên tục; làm những công việc đòi hỏi sự tập trung, áp lực và trách nhiệm cao. Đáng nói là, ngoài áp lực từ công việc, trong nhiều trường hợp, nhân viên y tế còn chịu áp lực từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đây là điều làm cho thầy thuốc mệt mỏi nhất.

 

Thực tế cho thấy, bên cạnh những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thấu hiểu, tôn trọng, hợp tác tốt với thầy thuốc, tuân thủ các quy định, nội quy của bệnh viện thì vẫn có một số người “trời ơi đất hỡi”. Họ “triệt để” thể hiện “quyền” của “thượng đế” (khách hàng), liên tục đòi hỏi nhân viên y tế phải làm thế này, thế kia. Nếu yêu cầu không được đáp ứng thì họ nổi nóng, cho rằng nhân viên y tế có thái độ phục vụ không tốt.

 

Họ muốn mình/ người thân của mình được khám trước, siêu âm trước, chụp X-quang trước, không cần biết theo quy định thì phải ưu tiên cho bệnh nhân A, bệnh nhân B vì bệnh nặng hơn. Đã có trường hợp, ngay tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, người nhà một bệnh nhân chửi bới và đánh điều dưỡng của Khoa Cấp cứu, cho rằng cô đưa bệnh nhân khác “chen ngang” vào, trong khi “bệnh nhân khác” này bị thủng dạ dày, cần cấp cứu! Và khi có hơi men, một số người dễ dàng gây hấn, chửi bới, đánh điều dưỡng, đánh bác sĩ như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Mạnh Nhất mà báo chí vừa phản ánh.

 

Đáng buồn là, khi có những vụ việc như vậy xảy ra, bên cạnh các ý kiến lên án hành vi bạo lực trong môi trường bệnh viện, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác, không ít người - có thể do không nắm đầy đủ thông tin - lại suy diễn theo kiểu “không có lửa làm sao có khói” và chĩa mũi dùi vào đội ngũ y tế, cho rằng do nhân viên y tế phục vụ không tốt, yếu kém về nghiệp vụ... Nhân viên y tế bị tổn hại về thể chất, tinh thần do bạo hành, lại tiếp tục bị tổn thương bởi dư luận nghiệt ngã.

 

Nghề nào cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, nghề y cũng vậy. Và ở nơi này nơi kia, lúc này lúc khác có những trường hợp bệnh nhân chưa được chăm sóc tốt như mong muốn, chưa hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh. Nhưng chúng ta không thể chăm chăm “nhìn” vào đó mà “phủi” sạch biết bao nỗ lực, biết bao đóng góp, biết bao hy sinh của đội ngũ thầy thuốc. Điều đó thật không công bằng!

 

Một bác sĩ làm việc tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên kể rằng nhiều khi, khoa này tiếp nhận cùng lúc 6-7 bệnh nhân. Có khi đang khám cho ca này thì một ca rất nặng được đưa vào. Bác sĩ phải chạy sang khám cho ca nặng thì bệnh nhân bên này phản ứng ngay. Họ không biết rằng ca nặng kia cần cấp cứu... Có “ma men” trong người, người nhà bệnh nhân nói những lời rất khó nghe, thậm chí còn đe dọa, hành hung nhân viên y tế, đập phá dụng cụ. Có khi bác sĩ vừa khám chữa bệnh vừa phải đề phòng xem họ có đánh mình hay không.

 

“Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, là một trong những điều cơ bản để con người sống hạnh phúc, là mục tiêu và là nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ Tổ quốc” - nội dung đó được khẳng định trong Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân. Khoản 3 Điều 26 của luật này quy định: “Nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ”.

 

“Health worker safety: a priority for patient safety” - một hiến chương đặc biệt mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dành cho nhân viên y tế trên toàn cầu nhân Ngày An toàn người bệnh thế giới (17/9) năm 2020 nêu rõ: “Đã có quá nhiều nhân viên y tế trên toàn cầu phải đối mặt với bạo lực thể chất và tinh thần trong công việc hàng ngày, cũng như trong tình huống khẩn cấp. Nhân viên y tế nữ đặc biệt dễ bị tổn thương. Những mối đe dọa này ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và an tâm công tác của nhân viên y tế và có thể dẫn đến giảm sự an toàn cho người bệnh và chất lượng chăm sóc”.

 

Theo hiến chương này, các hành động và can thiệp ưu tiên bao gồm: Áp dụng và triển khai các chính sách và cơ chế phù hợp với luật pháp quốc gia để ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực trong lĩnh vực y tế; thúc đẩy văn hóa không khoan nhượng khi có hành vi bạo lực đối với nhân viên y tế; xem xét các luật và khi cần thiết giới thiệu những đạo luật cụ thể để ngăn chặn bạo lực đối với nhân viên y tế; đảm bảo các chính sách và các quy định để triển khai có hiệu quả việc bảo vệ nhân viên y tế chống lại bạo lực; thiết lập các cơ chế thực hiện có liên quan, như thanh tra và đường dây nóng cho phép nhân viên y tế báo cáo các sự cố, cũng như sẵn sàng hỗ trợ cho bất kỳ nhân viên y tế nào đối mặt với bạo lực.

 

Để ngăn chặn bạo hành y tế, bên cạnh giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, an toàn người bệnh, cần tăng cường sự phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Công an, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh, xử lý nghiêm các đối tượng hành hung nhân viên y tế để răn đe.

 

Theo WHO, giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên y tế là điều cần thiết để đảm bảo việc chăm sóc người bệnh được an toàn, tránh các sự cố xảy ra cho người bệnh. Nhân viên y tế có thể chất và tâm lý lành mạnh sẽ ít mắc sai sót hơn, góp phần vào việc chăm sóc an toàn hơn. Do đó, an toàn của nhân viên y tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người bệnh.

 

TIỂU LONG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek