Cùng với tiến trình đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, chất thải nói chung, rác thải sinh hoạt nói riêng đang là vấn đề bức xúc không chỉ ở đô thị mà đã thành “hội chứng” đối với nhiều vùng nông thôn ở Phú Yên.
Nhiều người “vô tư” vứt rác thải xuống các dòng kênh ở nông thôn. Trong ảnh: Thu dọn rác thải dưới kênh - Ảnh: N.TRƯỜNG
CHƯA ĐẾN 50% LƯỢNG RÁC THẢI NÔNG THÔN ĐƯỢC THU GOM
Kết quả khảo sát, điều tra mới đây của dự án Quản lý chất thải rắn thuộc chương trình SEMLA cho thấy, việc thu gom rác tại các huyện chỉ mới thực hiện được ở khu vực thị trấn, thị tứ, chợ, một số địa bàn dân cư tập trung. Tuy nhiên, việc quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở nhiều nơi còn nhiều bất cập. Hiện chưa đến 50% lượng rác thải nông thôn được thu gom; ngay cả thị trấn Sông Cầu (huyện Sông Cầu) cũng chỉ mới thu gom 70% lượng rác thải; hoặc ở huyện Phú Hòa chưa có bãi rác, chưa có tổ chức, cá nhân nào đứng ra thu gom, xử lý rác thải. Phương tiện vận chuyển rác ở nhiều địa bàn chủ yếu bằng xe công nông hoặc súc vật kéo. Hệ thống bãi rác trên phạm vi toàn tỉnh chưa được quy hoạch; xử lý rác chưa đúng quy cách, chủ yếu là đốt, chôn lấp, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, gây mùi hôi thối, ảnh hưởng sức khỏe cho người dân sống xung quanh. Trên nhiều tuyến kênh của hệ thống thủy nông Đồng Cam, đoạn qua các khu dân cư thuộc các xã Hòa Thành, Hòa Vinh (Đông Hòa), phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), chúng tôi bắt gặp rác thải đủ loại dồn thành cụm như muốn làm tắc nghẽn dòng chảy. Một cán bộ thủy nông ở xã Hòa Thành (Đông Hòa) đang ra sức thu dọn đám rác đó, bức xúc nói: “Nhiều người “vô tư” đổ xuống kênh mọi chất thải nào rác, nước bẩn kể cả xác súc vật; xem kênh mương như là nơi giải quyết rác thải sinh hoạt của gia đình họ vậy.”
Rác thải đổ bừa bãi ở nhiều vùng nông thôn – Ảnh: N.TRƯỜNG
BẤT CẬP TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Thực trạng trên xuất phát từ nhiều bất cập, đó là cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thu gom, xử lý rác thải chưa được chú trọng; nguồn vốn sự nghiệp môi trường chưa được ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này. Mặt khác, dân số ngày càng gia tăng trong khi ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ nguồn thải chất thải rắn thông thường; trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể, cộng đồng dân cư trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải... nhưng công tác triển khai của các ngành các cấp chưa kịp thời nên việc quản lý chất thải nói chung, chất thải rắn sinh hoạt nói riêng ở khu vực nông thôn chưa được cải thiện.
Ban quản lý chương trình Nâng cao năng lực quản lý đất đai - môi trường tỉnh Phú Yên vừa tổ chức hội thảo góp ý quy hoạch chuyên đề về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Ông Nguyễn Đình Phong, Trưởng phòng Quy hoạch Sở Xây dựng Phú Yên, cho biết: “Đối với quản lý chất thải rắn, chúng tôi đề xuất sẽ có 6 bãi rác được xây dựng trên địa bàn tỉnh với diện tích 90ha, 5 trạm trung chuyển thứ cấp thu gom rác với vốn đầu tư dự kiến 250 tỉ đồng; đó là chưa kể hệ thống thu gom rác thải sơ cấp đặt tại các thị tứ, trung tâm cụm xã và các cơ sở xử lý rác thải y tế. Tuy nhiên để việc xử lý rác trên địa bàn toàn Phú Yên nói chung, khu vực nông thôn nói riêng cần có những giải pháp đồng bộ về đầu tư, công tác truyền thông, giáo dục, chính sách hỗ trợ… công tác quản lý, xử lý rác thải mới có hiệu quả.
GIẢI PHÁP XỬ LÝ RÁC THẢI NÔNG THÔN Ông Lê Văn Thứng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Phú Yên đưa ra những giải pháp về quản lý, xử lý rác thải nông thôn như sau: Xây dựng bãi rác nên có quy hoạch tổng thể trên địa bàn Phú Yên theo hướng tập trung để dễ quản lý, xử lý. Các huyện xa trung tâm tỉnh lỵ như Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Cầu cần có bãi rác hợp vệ sinh riêng cho từng huyện. Các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An có bãi rác tạm từng huyện hoặc cụm xã; diện tích bãi rác được xác định theo số người dân sinh sống trong địa bàn thu gom rác, mỗi bãi rác được xây dựng 2 ô để chôn lần lượt, sau khi đầy sẽ chuyển về bãi rác Thọ Vức của TP Tuy Hòa để xử lý tập trung. Từng xã hoặc liên thôn cũng cần có những điểm chứa rác tạm thời lưu giữ rác trong thời gian thích hợp. Xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển rác: Biện pháp tốt nhất cần áp dụng là thu gom rác tại nguồn, đòi hỏi mỗi hộ dân, cơ quan, trường học, cơ sở sản xuất phải tự tổ chức thu gom rác vào các thùng chứa chờ xe vệ sinh đến thu gom thủ công đưa đến các điểm chứa rác trung chuyển của xã hoặc liên thôn. Tại đây, rác được xe chuyên dùng chở đến bãi rác của huyện hoặc đưa thẳng đến bãi rác của tỉnh. Về cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện: Tăng cường công tác xã hội hóa công tác quản lý chất thải nhằm phát huy nội lực, sức đóng góp của các thành phần kinh tế, giảm áp lực về kinh phí đầu tư của nhà nước. Thực hiện nguyên tắc: người xả rác phải đóng phí vệ sinh. Phí vệ sinh được tính từ khâu thu gom từ hộ gia đình, tổ chức đến bãi rác trung chuyển, chi phí vận chuyển từ bãi rác trung chuyển đến bãi xử lý tập trung và chi phí xử lý phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của nhân dân.
NGUYÊN TRƯỜNG