Đến thôn Phú Hữu, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, hỏi nhà chị Yến (còn gọi là chị Hương) thì ai cũng biết. Sau nhiều lần thất bại trong làm ăn, chị kiên trì vượt khó vươn lên. Không những thế, người phụ nữ này còn được bà con yêu mến bởi sống chan hòa, tốt bụng.
Chị Yến bên quầy nước của mình. |
Sau khi lập gia đình, chị Trần Thị Kim Yến vay tiền đi buôn mía, chồng ở nhà trồng mía. Năm 1995, hai vợ chồng dành dụm mua được chiếc xe máy để việc chuyên chở hàng hóa thuận tiện hơn. Khéo thu vén, hai vợ chồng có vốn trữ mía, làm bột sắn và nuôi con ăn học.
Năm 1999, mía đột ngột rớt giá. Việc buôn bán thất bại, chị Yến vỡ nợ hơn 200 triệu đồng. Kinh tế gia đình suy sụp, chị lâm vào cảnh túng quẫn, không một xu dính túi để lo cho ba bữa Tết nói chi đến buôn bán. Chị quay lại với đám rẫy hơn 1 ha của gia đình, đồng thời trồng rau muống đem ra chợ bán mua gạo. Thương chị túng thiếu, bà con cho mượn tiền để chị gởi cho cậu con trai đang học Đại học Giao thông vận tải ở TP Hồ Chí Minh.
Như con ong chăm chỉ, trên mảnh đất của gia đình, chị tần tảo luân canh theo mùa vụ, hết trồng rau, bí lại trồng khổ qua…, làm ngày làm đêm mong sao trả hết nợ, trang trải dần cuộc sống. Ba năm sau, cô con gái út thi đậu vào Đại học Quy Nhơn. Gánh nặng chồng chất trên vai, chị bàn với chồng: Nếu không liều một phen thì không có tiền lo cho các con ăn học. Năm 2001, chị ra chợ vay tiền, bắt đầu mở rộng diện tích trồng bắp, sắn… Không may trong năm đó, một trận lũ lớn cuốn trôi tất cả, bao nhiêu vốn liếng đầu tư đều mất trắng. Nợ nần chồng chất, chị Yến tưởng chừng không vượt qua được! Chị nhớ lại: Lần thất bại thứ hai, tôi như người rơi xuống hố sâu, không biết thoát ra thế nào. May mà chồng luôn động viên nên tôi mới lấy lại được tinh thần. Tôi nghĩ: Ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, trời sẽ không phụ người. Các con tôi cũng biết thương mẹ cha vất vả, hiểu được hoàn cảnh gia đình nên rất cố gắng học hành. Con trai tốt nghiệp ra trường, đã tìm được việc làm tại TP Tuy Hòa.
Chị Yến quyết định trở về với công việc buôn bán. Ngày ngày, chị tranh thủ ra chợ lấy hàng sỉ rồi bán lẻ kiếm lời. Thấy chị biết giữ chữ tín, bạn hàng cho gối đầu một số tiền giúp chị mở quán ăn uống giải khát. Cần cù, chịu khó tích góp được một số vốn, chị chuyển nhượng 6 ha đất trồng mía và trồng 1 ha rừng. Đời sống của gia đình dần được cải thiện.
Chị Trần Thị Kim Yến tâm sự: “Tôi nghiệm thấy đúng như Bác Hồ dạy: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền”. Tôi bằng lòng với những gì mình đang có. Hiện tôi đang tham gia câu lạc bộ của Hội Phụ nữ để cùng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với các chị em…”
Chị Sô Thị Lý, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Suối Bạc, nhận xét: Chị Yến là một phụ nữ chịu thương chịu khó. Sau mỗi lần thất bại, chị lại đứng lên và mạnh mẽ hơn. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn tham gia công tác xã hội rất nhiệt tình. Trong Hội, chị em nào gặp khó khăn thì chị Yến cho mượn vốn để buôn bán nhỏ; gia đình nào neo đơn, túng thiếu, chị đi vận động quyên góp. Đặc biệt, chị Yến rất có uy tín trong việc giải hòa mâu thuẫn giữa các gia đình. Tháng 5 vừa rồi, chị Yến nhặt được hơn 37 triệu đồng, đã mang đi trả lại cho người đánh rơi là anh Nguyễn Minh Triết cùng xã…
THÙY THẢO