Thứ Sáu, 04/10/2024 12:24 CH
Hảo danh mơ ước bớt khó khăn
Thứ Hai, 02/06/2008 14:29 CH

33 năm sau ngày đất nước thống nhất, ở Hảo Danh - một vùng đất nghèo khó thuộc xã Xuân Thọ 2 (huyện Sông Cầu), người dân vẫn gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Không có điện, đường sá đi lại cách trở...

 

ĐƯỜNG SÁ CÁCH TRỞ

 

Sau những cơn mưa “chín chiều”, ĐT 642 từ thôn Triều Sơn dẫn về hai thôn Hảo Danh, Hảo Nghĩa càng khó đi hơn. Muốn đến Hảo Danh phải vượt qua những con dốc dựng đứng, trơn trượt, rất đúng với câu ca được lưu truyền trong dân gian: “Đèo nào cao bằng đèo Phú Cốc/ Dốc nào ngược bằng dốc Xuân Đài”. Hảo Danh nằm trên đỉnh dốc Xuân Đài. Với địa thế hiểm trở, lại nối với huyện Đồng Xuân và vùng căn cứ phía Tây của Phú Yên, Hảo Danh là căn cứ của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Cùng với hai thôn miền núi khác của xã Xuân Thọ 2 là Hảo Nghĩa và Mỹ Lương, Hảo Danh có nhiều đất rộng, nhưng “lợi thế” này chẳng được phát huy là bao bởi sản xuất nông nghiệp ở đây phụ thuộc vào nước trời. Thủy lợi hầu như không có gì. Năm nào trời thuận thì có cái ăn, ngược lại thì dân chịu cảnh túng bấn. Chính vì vậy mà đến nay, trong khi cuộc sống ở các nơi khác đang đổi thay nhanh chóng thì Hảo Danh vẫn rất nghèo.

 

Hảo Danh hiện có 138 hộ với 635 nhân khẩu. Thu nhập chính của bà con là từ cây mía. Thiếu nước nên năng suất mía không cao, bình quân khoảng 45 đến 50 tấn/ha. Đường sá khó khăn nên người dân nơi đây cũng chỉ bán mía tại chỗ với giá từ 320.000 - 350.000đồng/tấn. Hộ nào có vài ba héc-ta, một năm cũng thu được vài chục triệu, còn nếu chỉ có 5-7 sào đất thì thu nhập rất ít ỏi. Vào mùa mưa, muốn đi chợ, bà con phải đi bộ vượt những con dốc núi, vòng qua chùa Đá Trắng để xuống xã An Dân, huyện Tuy An. Ông Trần Văn Lợi ở thôn Hảo Danh nói: Nhà có xe đấy, nhưng mùa mưa thì “khóc ròng”. Muốn có con cá con mắm phải cuốc bộ đúng một ngày. Ai chịu khó và có điều kiện thì mua thực phẩm dự trữ cho cả mùa đông.

 

SẼ HẾT CẢNH ĐÈN DẦU LEO LÉT?

 

Đâu chỉ khổ vì đường sá cách trở, người dân ở Hảo Danh còn khổ vì không có điện. Với họ, có điện đồng nghĩa với có ánh sáng văn hóa. Chị Lê Thị Mai nói: “Cái ăn cái mặc, dù túng bấn nhưng cũng có thể đắp đổi qua ngày, còn không có điện thì bà con “mù” nhiều thứ. Tội nhất là sắp nhỏ, tối tối phải học bài trong tù mù đèn dầu”.

 

Có điện - đó là mong muốn của nhiều học sinh ở đây. Em Trần Đình Phong, học sinh lớp 2 phân trường tiểu học thôn Hảo Danh nói: Thích nhất là nhà có điện để em học bài, để mẹ mua tivi xem…

 

Trong 138 hộ ở thôn Hảo Danh chỉ vài hộ có tivi đen trắng sử dụng bình ắc quy để xem truyền hình. Sóng phát thanh cũng không đến được với người dân trong thôn. Muốn đưa những chủ trương chính sách hoặc triển khai các chiến dịch xuống dân, xã Xuân Thọ 2 phải cử cán bộ đến Hảo Danh để phổ biến, tuyên truyền. Mỗi khi có hội họp, tiếp xúc cử tri, ban nhân dân thôn cử đại diện xuống xã để tham gia.

 

Khi thực hiện bài viết này, tôi nhận được một tin vui là rồi đây, Hảo Danh sẽ không còn cảnh đèn dầu leo lét. Ông Nguyễn Thành, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ 2, cho biết: Vừa qua Công ty Điện lực 4 đã về Hảo Danh khảo sát để tiến tới xây dựng hệ thống điện tại đây. Thế nhưng bao giờ chương trình này được triển khai thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ông Nguyễn Thành còn cho biết thêm: Thực hiện chủ trương của UBND huyện Sông Cầu về chuẩn bị các điều kiện để xây dựng Sông Cầu thành thị xã vào năm 2010, Xuân Thọ 2 vừa hoàn tất đề án chia tách xã này thành 2 đơn vị hành chính. Theo đó, 3 thôn miền núi là Hảo Danh, Hảo Nghĩa, Mỹ Lương và một phần phía tây của thôn Triều Sơn sẽ hình thành một đơn vị hành chính độc lập, lấy tên là xã Xuân Đài. Xã Xuân Thọ 2 cũng sẽ hoàn tất các thủ tục khác để đề nghị công nhận Xuân Đài là xã miền núi. Có như vậy, cùng với Hảo Nghĩa và Mỹ Lương, người dân ở vùng khó khăn Hảo Danh mới có cơ hội cải thiện cuộc sống, sau khi được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho một xã miền núi.

 

Những chủ trương đang được các cấp các ngành triển khai. Hiện tại, dân Hảo Danh vẫn sống trong cảnh leo lét đèn dầu. Cuộc sống của họ chỉ thực sự đổi thay khi điện được đưa về đây, cùng với đó là những chính sách hỗ trợ và đầu tư đủ mạnh của nhà nước.

 

LÊ BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek