Thứ Bảy, 05/10/2024 06:19 SA
Nâng cao trách nhiệm cá nhân với sức khỏe cộng đồng
Thứ Hai, 07/12/2020 15:00 CH

Gần 90 ngày Việt Nam không có ca bệnh COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng - đó là thành công của cả đất nước trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19. Việt Nam trở thành quốc gia thành công nhất trong số ít quốc gia thành công trong khống chế COVID-19. Nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm, tự tin hơn trong sản xuất kinh doanh; nhiều nhà máy, xí nghiệp… đã có chiến lược phục hồi kinh tế. Vậy mà chỉ một cá nhân không tuân thủ quy định cách ly phòng chống COVID-19 làm cho cả nước đứng trước nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ ba.

 

Một người đàn ông rửa tay khử khuẩn khi đến khám tại Bệnh viện Mắt Phú Yên (ảnh minh họa). Ảnh: YÊN LAN

 

Xét trên góc độ dịch tễ học nói chung, đại dịch COVID-19 nói riêng, hành vi của bệnh nhân 1342 đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của rất nhiều người, nếu dịch không được khống chế kịp thời.

 

Nếu bệnh nhân 1342 thực hiện đúng quy định cách ly của Bộ Y tế thì sẽ không có hàng trăm hộ gia đình phải phong tỏa, hàng ngàn người phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Nhiều khu dân cư bị xáo trộn cuộc sống hàng ngày; nhiều cơ sở sản xuất phải tạm đóng cửa; nhiều trường học phải cho học sinh, sinh viên nghỉ học. Đáng lo hơn là tâm lý lo âu, thấp thỏm của người dân; nhiều người đặt nghi vấn vào tính hiệu quả của các khu cách ly...

 

Thiệt hại do hành vi của bệnh nhân 1342 gây ra cho xã hội là vô cùng to lớn cả về kinh tế, uy tín và niềm tin. Với hành vi không tuân thủ quy định cách ly phòng chống dịch, bệnh nhân này đã thể hiện sự vô trách nhiệm không chỉ với sức khỏe của bản thân mà còn đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng xã hội. Qua sự việc này, mọi người hãy lấy đó làm bài học để có trách nhiệm hơn đối với sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.

 

Ở Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng, hoạt động phòng chống dịch bệnh được triển khai hết sức mạnh mẽ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của đại đa số người dân. Nhờ đó, COVID-19 hay các dịch bệnh khác cơ bản đã được khống chế và dập tắt ngay từ khi mới có nguy cơ hay có ca bệnh đầu tiên. Tuy nhiên vẫn còn một số ít cá nhân, thậm chí một số nơi, một số cộng đồng dân cư không thực hiện nghiêm quy định của các cơ quan chức năng, cần phải chấn chỉnh.

 

Để phòng chống COVID-19, mỗi người dân cần thực hiện 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập đông người và Khai báo y tế. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều người đến những nơi công cộng, trên các phương tiện vận tải công cộng mà không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách. Tại các công viên - nơi có nhiều người đến tập thể dục, người không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách trên 2m cũng không hiếm...

 

Xét trên góc độ dịch tễ học nói chung, đại dịch COVID-19 nói riêng, hành vi của bệnh nhân 1342 đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của rất nhiều người, nếu dịch không được khống chế kịp thời.

 

Trong phòng chống các dịch bệnh khác cũng tương tự. Để phòng, chống sốt xuất huyết thì biện pháp hiệu quả nhất để dập dịch là diệt bọ gậy. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, nhiều gia đình, thậm chí cả xóm không thực hiện dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo về mối nguy hiểm của loại bệnh này.

 

Về dịch tễ học của sốt xuất huyết, có ca bệnh, có muỗi Aedes (trung gian truyền bệnh) là có nguy cơ bùng phát dịch. Nếu chỉ điều trị ca bệnh mà không diệt muỗi Aedes thì không thể dập dịch. Hơn nữa bán kính hoạt động của muỗi Aedes từ 120-200m, vì vậy diệt muỗi phải trong bán kính đó kể từ nơi có ca bệnh. Trên thực tế, chúng ta diệt muỗi, diệt bọ gậy cho hàng trăm, hàng ngàn gia đình nhưng nếu chỉ một vài gia đình không thực hiện thì sẽ có nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

 

Trong phòng chống sốt rét cũng vậy, diệt muỗi Anophen là phải diệt trong phạm vi hoạt động của muỗi này. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác cũng cần thực hiện triệt để, đồng loạt, liên tục thì mới khống chế, bao vây và dập tắt được dịch.

 

Riêng đối với các vấn đề sức khỏe khác như thuốc lá, ai cũng biết đó là nguy cơ hàng đầu của các bệnh lý như ung thư, tim mạch, rối loạn sinh dục… Hàng năm, thuốc lá gián tiếp gây tử vong cho khoảng 40.000 người tại Việt Nam; kinh phí điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra không dưới 30.000-40.000 tỉ đồng, chưa kể thuốc lá gây thiệt hại do nghỉ lao động, làm đất bạc màu, hỏa hoạn... Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, sau đó là Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện luật, xử lý vi phạm...

 

Tuy nhiên đến nay, số người hút thuốc có giảm nhưng không đáng kể; tình trạng hút thuốc ở những nơi cấm vẫn còn xảy ra. Tại sao lại như vậy? Phải chăng chúng ta thiếu những công cụ hữu hiệu để người dân thực hiện? Thực tế, công cụ của chúng ta không thiếu, biện pháp của chúng ta quá đầy đủ nhưng có điều thực hiện chưa nghiêm, chưa đúng với quy định.

 

Mong rằng mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư hãy nêu cao vai trò, trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện, giám sát, kiểm tra các biện pháp bảo vệ và nâng cao sức khỏe, tránh tình trạng đáng tiếc như bệnh nhân 1342 gây ra.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek