Vào năm 1989, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua Công ước LHQ về quyền trẻ em (CRC). Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước này. Trong suốt thời gian qua, việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam đã giúp cải thiện cuộc sống cho hàng triệu em nhỏ.
Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Việt Nam, CRC quy định trẻ em là giai đoạn đặc biệt khác với giai đoạn trưởng thành của con người. Giai đoạn đặc biệt này kéo dài đến 18 tuổi. Đây là thời kỳ trẻ em cần được bảo vệ, được chăm sóc để lớn lên, được học tập, được vui chơi để phát triển tối đa tiềm năng của một con người. Công ước đã trở thành một văn kiện về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử với 196 quốc gia thành viên, đã giúp thay đổi cuộc sống của trẻ em toàn thế giới.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn CRC vào năm 1990. Trong suốt ba thập niên qua, những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống cho hàng triệu trẻ em trên đất nước. Tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong đã giảm đáng kể; tỉ lệ tiêm chủng cao; số trẻ em được đến trường cao nhất trong lịch sử. Các lĩnh vực như nước sạch và vệ sinh môi trường cho trẻ em cũng đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.
Trong khi Việt Nam đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện quyền được giáo dục cơ bản cho mọi người nhưng cũng phải đối mặt với những trở ngại trong chất lượng giáo dục, giáo dục hòa nhập và bền vững cho trẻ em và người chưa thành niên có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 8% trẻ em từ 11-14 tuổi và gần 30% trẻ em dân tộc thiểu số là trẻ em ngoài trường học. Các em thiếu những kỹ năng cần có để có thể tìm kiếm việc làm và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Bảo vệ trẻ em vẫn còn là vấn đề cần hành động mạnh mẽ hơn. Việt Nam cần đẩy mạnh khung pháp lý để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Trẻ em phải được pháp luật bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại, bao gồm cả bạo lực, trừng phạt thân thể, quấy rối hoặc bất cứ hình thức khiêu dâm trẻ em hay xâm hại tình dục.
Ngoài ra, để bảo vệ trẻ em, đặc biệt khỏi bạo lực và xâm hại tình dục, nước ta cần một hệ thống công tác xã hội mạnh hơn. Từ đó có thể bảo đảm một mạng lưới dịch vụ hỗ trợ, bắt đầu từ phòng ngừa và can thiệp sớm tại cấp cơ sở, cho đến các dịch vụ chuyển gửi - bảo vệ trẻ em chuyên biệt.
HOÀNG LÊ (tổng hợp)