Thứ Bảy, 05/10/2024 02:29 SA
Người đi bắt “ma lai” ở buôn làng
Chủ Nhật, 18/05/2008 14:10 CH

Chúng tôi đến buôn Tân Hiên, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) khi ánh ngày vừa tắt. Ngồi bên bếp lửa bập bùng trên sân đất bên cạnh những ngôi nhà sàn, chúng tôi nghe già làng Ma Tul kể về chuyện đại uý Lê Văn Dỏn, Đội phó cảnh sát phụ trách xã của Công an huyện Sơn Hòa vất vả ngày đêm bám buôn làng đẩy lùi những tập tục lạc hậu khiến cho đồng bào cảm phục, tin yêu.

 

080517-Le-Va-Don.jpg

Đại úy Lê Văn Dỏn

Những năm qua, mặc dù kinh tế xã hội ở buôn Tân Hiên đã có sự đổi mới song trong đời sống thường nhật của người dân vẫn còn một số tập tục lạc hậu như nghi kỵ “ma lai”, cầm đồ thuốc độc, cúng tế thần linh để chữa bệnh… Nhiều câu chuyện hoang đường đã đọng lại trong tiềm thức của họ không dễ xóa bỏ một sớm một chiều. Khi được phân công đảm nhiệm công tác an ninh trật tự ở xã Sơn Phước, đại úy Lê Văn Dỏn phải đối mặt với không ít khó khăn. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm thực tế sau gần 20 năm công tác ở địa bàn miền núi Sơn Hòa, hơn nữa đại úy Dỏn là người con của buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), rất thông thạo tiếng nói, phong tục tập quán của đồng bào Chăm H’Roi nên rất dễ tiếp cận người dân để nắm bắt kịp thời tâm tư tình cảm, những vụ việc phát sinh trong đời sống ở buôn làng.

 

Cách đây vài tháng, Mí Khóc lâm bệnh nhiều ngày, người thân lặn lội vào tận rừng sâu tìm những nắm thuốc lá, rễ cây đưa về nấu, nhưng bệnh trạng của bà không giảm. Nghi ngờ bị thần linh phạt tội, chồng của Mí Khóc băng rừng, lội suối lên huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) rước thầy về làm lễ cúng Giàng, rồi ra đầu buôn làm phép “xin” thần suối một bầu nước lành đem về cho người bệnh uống. Thế nhưng Mí Khóc vẫn ôm cái bụng kêu la, cơ thể nóng rực như lửa than trong khi bàn chân lạnh ngắt. Trong cơn suy kiệt, Mí Khóc gượng sức nhớ lại, trước đó giữa gia đình bà và người em rể của chồng là Ma Nữ phát sinh mâu thuẫn gay gắt, do tranh giành phần nương rẫy của cha mẹ để lại. Sau mấy cuộc cãi vã, có lần Ma Nữ buông những lời bóng gió đe dọa “mày không yên thân được đâu”. Nghĩ tới lời đe doạ đó, Mí Khóc nghi ngờ Ma Nữ là hiện thân của “ma lai” gây cho bà đau ốm. Do đó, khi bà con trong dòng họ đến thăm bệnh khá đông, Mí Khóc oằn mình, ôm cái bụng kêu la “Lũ làng ơi, Ma Nữ là con ma lai ám hại tui rồi”. Lập tức Ma Nữ và dòng họ của ông phản ứng quyết liệt, vì bao đời nay ở các buôn làng luôn tồn tại một luật tục bất thành văn: hễ người nào bị nghi kỵ “ma lai” thì cả dòng họ bị đồng bào buôn làng xa lánh, tìm cách loại trừ, đẩy đuổi vào rừng sâu, núi cao để sinh sống, thậm chí sẽ bị cánh đàn ông trong buôn làng lén lút sát hại để...trừ khử “ma lai”!

 

Để chứng minh Ma Nữ không phải “ma lai”, dòng họ của ông đòi dòng họ Mí Khóc phải làm “phép thử” theo tập tục của đồng bào Ê đê. Dòng họ nhà Mí Khóc cử một người khỏe mạnh để dân làng trói với Ma Nữ, đưa lên chòi gác rồi xông khói, hoặc hai bên cùng chặt đầu gà thả xuống suối rồi lặn nước, ai không chịu nổi khói ngạt hay ngoi đầu lên khỏi mặt nước trước thì bên đó có “ma lai”.

 

Giữa lúc hai bên dòng họ của Mí Khóc và Ma Nữ đang căng thẳng, quyết liệt loại trừ lẫn nhau chỉ vì nghi kỵ “ma lai”, đại úy Lê Văn Dỏn về buôn Tân Hiên gặp già làng tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, rồi trực tiếp trao đổi với lãnh đạo xã Sơn Phước, tìm giải pháp ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra. Sau nhiều giờ nghe giải thích, Mí Khóc bị bệnh do nhiễm khuẩn đường ruột, già làng Ma Tul mới thuận tình gọi người đưa bệnh nhân bám theo đại úy Dỏn xuống Bệnh viện huyện Sơn Hòa. Một tuần sau khi được các y bác sĩ cứu chữa, Mí Khóc trở về buôn làng sinh hoạt, lao động bình thường. Từ đó, đồng bào ở Tân Hiên thêm tin yêu, quý mến đại úy Dỏn và coi anh như đứa con của buôn làng. Gặp chúng tôi, cả Mí Khóc lẫn Ma Nữ nói vui: “Không có “ma lai” nữa đâu, cán bộ Dỏn bắt hết rồi”.

 

Đại úy Dỏn tâm sự: “Dù thông thạo địa bàn, nhưng một lần vượt suối trong mùa mưa để ngăn chặn một vụ mâu thuẫn gay gắt, tôi bị lũ cuốn. Rất may bà con kịp thời phát hiện cứu tôi thoát chết. Có thể nói đồng bào ở Tân Hiên đã sinh ra tôi lần thứ hai”

 

5 năm qua, đại úy Lê Văn Dỏn cùng đồng đội đã đấu tranh ngăn chặn hơn 10 vụ việc nghi kỵ “ma lai”, cầm đồ thuốc độc ở nhiều thôn, buôn trên địa bàn Sơn Hòa. Ngoài ra, đại úy Dỏn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương chủ động hòa giải 45 vụ việc mâu thuẫn, góp phần mang lại bình yên cho những buôn làng.

 

PHAN THẾ HỮU TOÀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek