Thứ Bảy, 05/10/2024 02:31 SA
Làm lính tăng - thiết giáp
Thứ Sáu, 16/05/2008 15:00 CH

Không ít người ước mơ được làm lính lái xe tăng - thiết giáp, nhưng làm lính tăng - thiết giáp đâu phải dễ...

 

080516-xe-tang.jpg

Thiết giáp vượt sông Ba

 

KHẮT KHE TRONG TUYỂN CHỌN

 

Thượng úy Nguyễn Ngọc Quyết, đại đội trưởng Đại đội Tăng-Thiết giáp (Phòng Tham mưu- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên), cho biết từ khi còn là học sinh tiểu học, qua xem phim truyện, được học lịch sử, anh đã rất thích và mơ ước lớn lên được làm lính lái xe tăng. Để ước mơ trở thành hiện thực, anh phải mất một thời gian khá dài. Tốt nghiệp THPT năm 1994, anh nhập ngũ. Sau khi qua lớp tạo nguồn ở Trường Quân sự Quân khu 5, anh được cử đi học ở Trường Sĩ quan lục quân 2, chuyên ngành Chỉ huy binh chủng hợp thành. Sau đó, anh còn phải trải qua lớp trung cấp chuyên ngành Tăng - Thiết giáp và thực tế huấn luyện chiến đấu trong binh chủng.

 

Thiếu úy Trần Việt, trưởng xe (kíp 02) Đại đội Tăng - Thiết giáp cũng thế. Năm 2004, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh được đơn vị giữ lại theo nguyện vọng và cho đi đào tạo tại trường 700 thuộc Binh chủng Tăng - Thiết giáp ở Long Thành (Đồng Nai). Trải qua một thời gian dài với nhiều gian khó và thử thách, anh mới được làm lính xe tăng.

 

Theo đại đội trưởng Quyết và trưởng xe Việt, để được làm lính tăng - thiết giáp, yêu cầu đầu tiên là trình độ học vấn tối thiểu phải tốt nghiệp tú tài. Điều kiện tiếp theo là sức khỏe phải tốt, chịu đựng được gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Vì tăng- thiết giáp là xe chiến đấu, trang thiết bị, dụng cụ mang vác đều rất nặng, cường độ làm việc cao”, anh Quyết cho biết. Ngoài ra, người được tuyển vào lính xe tăng phải đảm bảo về mặt chính trị, lý lịch tốt, có thể phát triển Đảng. Khi được chọn đào tạo trong binh chủng Tăng - Thiết giáp, đòi hỏi còn khắt khe hơn. Một là, phải nắm bắt, tiếp thu nhanh khoa học kỹ thuật, vì xe tăng - thiết giáp trang bị nhiều loại thiết bị và vũ khí hiện đại. Hai là, phải có bản lĩnh chính trị và tâm lý vững vàng. Ba là, phải có tinh thần đoàn kết cao, “như năm ngón tay trên một bàn tay, đã xung trận là năm người như một”. Mỗi kíp xe thiết giáp có 4 người, gồm: trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn và lái xe, ai cũng phải được đào tạo nghiệp vụ cơ bản, tối thiểu là sơ cấp. Trong thời gian học tập, huấn luyện, nếu không vượt qua các bài tập sẽ bị loại, chuyển sang phục vụ ở những bộ phận khác.

 

Yêu cầu khắt khe là vậy, nhưng vì truyền thống của “năm anh em trên một chiếc xe tăng”, rất nhiều thanh niên hiện nay khi vào bộ đội đều muốn trở thành lính xe tăng.

 

TRUYỀN THỐNG “DÙNG XE ĐỊCH ĐÁNH ĐỊCH”

 

Được hỏi về truyền thống của binh chủng Tăng - Thiết giáp, đại đội trưởng Nguyễn Ngọc Quyết cho biết: Ngày 5/10/1959, trung đoàn xe tăng đầu tiên, Trung đoàn 202 trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh được thành lập. Ngày này đã trở thành ngày truyền thống của binh chủng Tăng - Thiết giáp. Sau gần 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, binh chủng Tăng - Thiết giáp đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần tô thắm trang sử vàng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, trận đánh đầu tiên với cách đánh “giáp lá cà”, “dùng xe tăng địch đánh địch” luôn được các thế hệ lính tăng-thiết giáp nhắc đến với niềm tự hào.

 

Sa Mát là một cứ điểm đồn trú của quân ngụy Sài Gòn nằm trên lộ 22 cách biên giới Việt Nam chưa đầy 2 km. Cứ điểm này địch bố trí một tiểu đoàn thiếu, có công sự phòng ngự kiên cố, án ngữ sự xâm nhập của lực lượng chủ lực ta đối với Chi khu Thiện Ngôn và cả hệ thống phòng ngự dọc lộ 22 bảo vệ tỉnh lỵ Tây Ninh. Đại đội Tăng-Thiết giáp C33 có nhiệm vụ phối hợp với một bộ phận của Sư đoàn bộ binh số 5 chủ lực Miền đánh vào Sa Mát, mở màn chiến dịch Nguyễn Huệ. Đây là lần đầu tiên, đại đội C33, đại diện cho lực lượng Tăng -Thiết giáp Nam Bộ xuất xe và dùng xe địch đánh địch. Bởi vậy, cán bộ chiến sĩ đại đội hạ quyết tâm phải: “Đánh thắng ngay trận đầu ra quân”.

 

Thế nhưng thực trạng của bốn chiếc tăng- thiết giáp lấy được của địch rất tồi tệ. Chiếc M41- 1A thu được của địch trong trận càn “Toàn thắng 1-71” khi chúng đánh lên biên giới Campuchia, thì pháo không có kính ngắm, muốn bắn phải ngắm trực tiếp qua nòng pháo. Chiếc M24 thì pháo không có kim hỏa, chỉ sử dụng được súng đại liên 12,7 ly. Còn chiếc M51 thì pháo không có khóa nòng, nên chỉ sử dụng được súng 7,62 ly. Chiếc bọc thép bánh hơi AM8 thì hỏng lốp. Thông tin liên lạc (đài vô tuyến điện) của 4 xe đều bị hỏng. Riêng tình trạng kỹ thuật máy thì chiếc tăng M24 chạy được khoảng 30 phút là nóng máy, nằm ì, phải chờ cho máy nguội mới đi tiếp.

 

080516-XTANG.jpg

Thường xuyên chăm sóc, bảo dưỡng xe thiết giáp Ảnh: X.HIẾU

 

Nhận được lệnh chiến đấu, toàn đại đội đã bí mật tổ chức hành quân từ căn cứ Tà Pao xuống Ka Rết dài gần 100km. Tiếp đó, từ Ka Rết “bò” dần về Phum Chi Mon, “ém” quân tại vị trí xuất phát cách Sa Mát 3 cây số, nhưng địch vẫn không hay biết gì.

 

Đến giờ hiệp đồng nổ súng, cả ba chiếc M41-1A, M24, M51 đồng loạt lao thẳng vào cứ điểm Sa Mát với khí thế dũng mãnh, bất ngờ, đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trên xe. Chiếc M41-1A không có kính ngắm thì pháo thủ ngắm trực tiếp, bắn bất kể loại đạn nào, dù đạn xuyên hay đạn nổ. Chiếc M24 không sử dụng được pháo thì bắn bằng đại liên 12,7 ly gắn trên nóc xe và gầm rú uy hiếp địch. Chiếc M51 pháo không có khóa nòng thì bắn bằng đại liên kẹp nòng 7,62 ly. Riêng chiếc M51 là loại xe gắn 2 máy nổ, anh em đạp hết ga cho tiếng nổ thật to, tạo thêm uy lực để uy hiếp địch. Cả ba xe không có thông tin liên lạc thì quy ước: Xe M41- 1A đi đầu lao vào là ba xe cùng lao, áp sát địch uy hiếp.  Còn trong từng xe, các thành viên quy ước với nhau: “thúc” vào lưng là cho xe “tiến”, “vỗ” vào vai phải là cho xe “sang phải”, “vỗ” vai trái cho xe “sang trái”, “vỗ” đỉnh đầu là cho xe “dừng lại”. Lối đánh “giáp lá cà” táo bạo và dũng mãnh của đại đội C33 đã làm cho địch khiếp vía, chống trả yếu ớt rồi thất thủ. Những tên sống sót tháo chạy về Chi khu Thiện Ngôn, hoang mang lo sợ và loan tin: “Quân giải phóng đã có xe tăng, mà lại là xe của Mỹ và Pháp”.

 

Phát huy truyền thống anh dũng của binh đoàn Tăng - Thiết giáp, những người lính tăng Phú Yên hôm nay nỗ lực tập luyện, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quê hương.

 

XUÂN HIẾU

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek