Chủ Nhật, 13/10/2024 07:22 SA
Nhiều mô hình thoát nghèo ở xã miền núi Krông Pa
Thứ Sáu, 18/09/2020 10:19 SA

HVing H’Trấc (bìa trái) hàng ngày chăm lo cho đàn bò lai của gia đình. Ảnh: KIM CHI

Krông Pa (huyện Sơn Hòa) là xã miền núi đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 867 hộ dân, với hơn 4.000 nhân khẩu, trong đó 2/3 dân số là người Ê Đê. Trước đây, người dân chủ yếu phát rừng làm rẫy, đời sống gặp nhiều khó khăn. Do vậy, công tác giảm nghèo luôn là ưu tiên hàng đầu của xã miền núi này.

 

Giai đoạn 2011-2015, Krông Pa có 421 hộ nghèo với 2.041 nhân khẩu, chiếm 57,2%. Trước thực trạng khó khăn đó, UBND xã Krông Pa thành lập Ban chỉ đạo Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở làm công tác giảm nghèo ở địa bàn.

 

Thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sinh sản

 

Qua triển khai các mô hình giảm nghèo, nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về tập quán canh tác, sản xuất dần được thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của bà con từng bước được nâng cao.

 

Đến với xã miền núi này, chúng tôi được chị Kso H’Prới, Chi hội trưởng Phụ nữ kiêm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Học giới thiệu đến thăm gia đình chị HVing H’Điếp và anh Ma Hà. Chị HVing H’Điếp kể, khi cha mẹ cho ra ở riêng, hai vợ chồng rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Năm 2012, thông qua Hội Phụ nữ nhận vốn ủy thác của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Sơn Hòa, vợ chồng chị được vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo mua hai con bò sinh sản. Vài năm sau bò đẻ ra bê, vợ chồng chị bán bớt một con để trả hết nợ. Sau đó, gia đình tiếp tục vay 25 triệu đồng vốn hộ cận nghèo tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Đến năm 2019, gia đình chị trả hết nợ cũ và tiếp tục được xét vay 50 triệu đồng diện hộ mới thoát nghèo. Nhìn đàn bò 12 con lớn, nhỏ trong chuồng đang ăn cỏ, HVing H’Điếp rất vui: “Tôi không ngờ chỉ gần 10 năm, từ chỗ là hộ nghèo, đến nay gia đình tôi đã xây được nhà ở, con cái được ăn uống, học hành tử tế. Nhà nước cho vay vốn, rồi làm đường, làm công trình thủy lợi cho bà con làm lúa nước… Chỉ ai làm biếng, không chịu bỏ sức lao động làm ăn mới nghèo thôi”.

 

Bên ngôi nhà sàn kiên cố, thoáng mát ven đường, chị HVing H’Trấc chia sẻ: “Trước kia gia đình tôi còn nghèo, chỉ nuôi được vài con bò cỏ. Sau đó, được vay ba đợt với tổng nguồn vốn 80 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư nuôi bò lai thay bò cỏ, vì bò lai có giá trị cao hơn. Hiện tại, sáu con bò lai của gia đình tôi trị giá hơn trăm triệu đồng”. Ngoài nuôi bò lai, gia đình HVing H’Trấc còn trồng bốn sào lúa nước, trồng sắn và nuôi gà với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Nhờ đó có đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày, gia đình đỡ khó khăn. “Đợi bò được giá, chúng tôi bán bớt, chắc cũng có của cải dôi dư”, H’Trấc nói.

 

Bà Rơ Ô H’Nhoen, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Krông Pa, cho biết ngoài việc hỗ trợ vốn vay đầu tư cho sản xuất, nuôi bò, xã Krông Pa đã và đang triển khai nhiều dự án như: Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; khuyến nông - lâm - phát triển sản xuất; hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt; dạy nghề cho người nghèo, người DTTS... Từ đó, nhiều chị em hăng hái tham gia, góp phần tạo công ăn việc làm cho bản thân và gia đình, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo.

 

Cần thêm nhiều nguồn vốn

 

Chủ tịch UBND xã Krông Pa Lê Văn Diễu cho biết: Toàn xã có 867 hộ dân; diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 2.137ha. Với 2/3 dân số là người DTTS, trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn thấp, không đồng đều. Trong đó có một số ít người dân nhận thức không rõ về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung của địa phương trong công tác giảm nghèo hàng năm. Bên cạnh đó, phần lớn hộ nghèo có đất, nhưng thiếu vốn sản xuất, do vậy giải pháp tìm nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất là vấn đề quan trọng. Hàng năm, thông qua các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sơn Hòa đã cho hàng trăm lượt hộ nghèo vay vốn sản xuất.

 

Theo ông Lê Trọng Khoan, Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Hòa, nguồn vốn cho vay của NHCSXH đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách. Cụ thể, trong năm 2020, bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sơn Hòa đã cho vay 579 lượt hộ, tổng vốn giải ngân hơn 6,8 tỉ đồng, nâng tổng dư nợ toàn xã Krông Pa lên hơn 20 tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, học tập của học sinh, sinh viên và xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã này.

 

Bên cạnh hỗ trợ vốn, địa phương còn đầu tư xây dựng trạm bơm điện buôn Lé, thực hiện dự án san ủi cánh đồng lúa nước và chỉ đạo xã vận động các hộ dân tự nguyện dồn điền đổi thửa, chia đều lại đất để trồng cây lúa nước hai vụ. Đến nay, xã Krông Pa đã có hơn 200 hộ dân là người DTTS trồng lúa nước, với diện tích gần 100ha. Vụ hè thu này đang bắt đầu thu hoạch, năng suất bình quân đạt hơn 68 tạ/ha.

 

Theo ông Lê Văn Diễu, cây lúa nước đã thật sự làm thay đổi tập quán canh tác của bà con. Có lúa, cái ăn không lo đói; bà con nuôi thêm con bò, trồng cây mía… bán có thu nhập cao. Hiện tại, cuộc sống của người dân nói chung, đồng bào DTTS xã miền núi Krông Pa nói riêng đã thật sự đổi khác. Số hộ nghèo cuối năm 2019 toàn xã còn 331/884 hộ, chiếm 37,44%. “Thời gian tới, xã sẽ cố gắng phấn đấu bổ sung thêm nhiều nguồn vốn để thực hiện các chính sách giảm nghèo rộng khắp, giúp nhiều người hưởng lợi, nhằm giảm mạnh tỉ lệ hộ nghèo”, ông Diễu nói.  

 

Cây lúa nước đã thật sự làm thay đổi tập quán canh tác của bà con. Có lúa, cái ăn không lo đói; bà con nuôi thêm con bò, trồng cây mía… bán có thu nhập cao.

 

Chủ tịch UBND xã Krông Pa Lê Văn Diễu

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek