Thực hiện đề án Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung vào các cặp vợ chồng mới kết hôn và gia đình sinh con một bề là gái.
Những năm gần đây, tình trạng mất cân bằng giới tính bắt đầu gia tăng ở mức báo động. Cả nước đã có 55/63 tỉnh thành có tỉ số giới tính khi sinh cao trên 108/100. Phú Yên, theo kết quả điều tra dân số năm 2019, tỉ số giới tính là 101,2 nam/100 nữ, tăng so với năm 2009 (100,21 nam/100 nữ).
Vận động thay đổi nhận thức
Theo bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng MCBGTKS là hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng, mong muốn có con trai để nối dõi tông đường...
Chị Trương Mỹ Dung, cán bộ y tế phường 1 (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền về chính sách dân số để chị em trong độ tuổi sinh đẻ hiểu rằng gái hay trai cũng là con; miễn con được sinh ra khỏe mạnh, sống tốt là được. Không nên trọng nam mà khinh nữ, cần sinh đủ 2 con để nuôi dạy tốt hơn. Qua các lần khám sức khỏe sinh sản, khám thai định kỳ, nhiều chị em đã đồng tình làm theo”.
Chị Nguyễn Thúy Loan ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), mới lập gia đình được 1 tháng, chưa có ý định sinh con, nói: “Vợ chồng tôi còn trẻ, chỉ mới 23 tuổi. Công ăn việc làm chưa ổn định nên chúng tôi chưa muốn sinh con lúc này. Thời gian gần đây, cán bộ phụ nữ, dân số, y tế thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về sinh con trai hay gái, sinh đủ 2 con... nên chúng tôi cũng có những suy nghĩ đúng đắn về vấn đề con cái. Với vợ chồng tôi, con trai hay gái đều được, nhất định không lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai”. Còn anh Hồ Nhất Long ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa), thổ lộ: “Sau khi vợ sinh lần lượt 2 đứa con gái, tôi buồn lắm, mọi người trêu tôi “đẹp trai nhất nhà”, không có con trai để phụ công việc, lo thờ cúng ông bà. Hai vợ chồng suy nghĩ rất nhiều. Tôi làm công ăn lương, còn vợ ở nhà lo mấy sào ruộng nên cuộc sống gia đình tạm ổn. Tôi cũng muốn sinh được 1 đứa con trai, nhưng khi các chị cán bộ dân số nhiệt tình khuyên giải; các chị phụ nữ cũng nói chuyện với vợ tôi về hạnh phúc gia đình, chính sách dân số, nuôi dạy con cho tốt... nên tôi bỏ ý định này. Giờ đây, hai đứa con gái đã lớn khôn, chăm ngoan, học giỏi, tôi rất yên tâm”.
Để người dân hiểu hơn về MCBGTKS
MCBGTKS sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng; sẽ tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học, như: gia tăng áp lực, buộc các em gái phải kết hôn sớm; làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn; bất ổn xã hội, suy giảm sức khỏe, sức khỏe sinh sản do những thất vọng về mặt xã hội và tình dục ở nam giới…
Bác sĩ Vũ Ngọc Dững cho biết: Một giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng MCBGTKS là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.
Một trong những giải pháp tuyên truyền hiệu quả được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh triển khai là phối hợp với các sở, ngành tổ chức các hội thi tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng MCBGTKS. Đồng thời tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ tuyến cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác kiểm soát MCBGTKS, từ đó lan tỏa trong cộng đồng. Chị Lê Mỹ Lan, cộng tác viên dân số, cho biết: “Thông qua các hội thi, các lớp tuyên truyền, mọi người sẽ hiểu rằng MCBGTKS mang lại những hệ lụy như thế nào, từ đó những cặp vợ chồng trước khi sinh con sẽ bỏ ý định nhất thiết phải sinh con trai”.
Bên cạnh các giải pháp tuyên truyền vận động làm cho người dân hiểu và không lựa chọn giới tính khi sinh, về bình đẳng giữa con trai và con gái, để tư tưởng trọng nam, khinh nữ giảm, theo bác sĩ Vũ Ngọc Dững, để thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn mới.
Để thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn mới.
Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh |
KIM CHI