Thứ Ba, 15/10/2024 09:18 SA
Chăm sóc tốt sức khỏe người tâm thần tại cộng đồng
Thứ Sáu, 14/08/2020 10:29 SA

CSSK cho NTT tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh. Ảnh: KIM CHI

Do áp lực cuộc sống, áp lực kinh tế, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và nhiều nguyên nhân khác nên số người tâm thần (NTT), rối nhiễu tâm trí đang có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, công tác chăm sóc NTT đang ngày càng trở thành một thách thức lớn và là gánh nặng đối với gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

 

Trước những khó khăn trên, mới đây, Sở LĐ-TB-XH phối hợp với Trường đại học Lao động - Xã hội (cơ sở 2 tại TP Hồ Chí Minh) tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) tâm thần cho hơn 100 cán bộ làm công tác LĐ-TB-XH cấp huyện, cấp xã và cộng tác viên công tác xã hội (CTXH) nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản về xử lý các tình huống can thiệp quản lý ca trong CSSK cho NTT tại cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội tại địa phương.

 

Quan tâm NTT hơn

 

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Triển khai thực hiện đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, hàng năm Sở LĐ-TB-XH đều tổ chức các lớp nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng CSSK cho NTT với các nội dung: đặc trưng tâm lý của một số rối loạn tâm thần và những can thiệp CTXH cơ bản; quản lý NTT, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng. Qua đợt tập huấn, học viên nắm được các kiến thức và cách xử lý tình huống can thiệp quản lý ca trong CSSK cho NTT tại cộng đồng, sẵn sàng hợp tác với các ngành, đoàn thể có liên quan và gia đình để hỗ trợ người bị rối loạn tâm thần.

 

Chị Nguyễn Thị Lan, cộng tác viên CTXH xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), chia sẻ: Tham gia lớp tập huấn, chúng tôi được giảng viên cung cấp các kiến thức cơ bản về bệnh tâm thần và cách chăm sóc; kỹ năng xử lý các tình huống trong quá trình chăm sóc NTT bệnh… Qua đó, tôi tích lũy thêm một số phương pháp để áp dụng chăm sóc tốt NTT ở cơ sở.

 

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội, chia sẻ: “Là đơn vị trực tiếp nuôi dưỡng, kết hợp điều trị cho hơn 50 NTT, rối nhiễu tâm trí, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để họ được điều trị theo cách kết hợp lao động, vui chơi, nghỉ ngơi. Theo tôi, để người bệnh tâm thần sớm phục hồi chức năng, ngoài việc điều trị của các cơ sở y tế, đòi hỏi sự quan tâm, sẻ chia, hỗ trợ của thân nhân và cộng đồng. Đặc biệt là tránh sự kỳ thị phân biệt đối xử với NTT để giúp họ sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng”.

 

Theo các giảng viên Trường đại học Lao động - Xã hội, để chăm sóc tốt sức khỏe NTT tại cộng đồng, nhân viên CTXH cần thực hiện nhiều hoạt động liên quan tới tiến trình trợ giúp trực tiếp một cá nhân cũng như các hoạt động nâng cao năng lực, thay đổi nhận thức và tạo ra những thay đổi tích cực trong các thành viên gia đình, cộng đồng và xã hội. Khuyến khích người bệnh tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn phù hợp. Vì thông thường, một số người có vấn đề về rối loạn tâm thần cho rằng tình trạng bệnh tật của họ là do một thế lực ma quỷ, chúa trời xử phạt từ kiếp trước, hay do số phận định đoạt. Do đó, không ít gia đình từ chối mọi hình thức chữa trị có tính khoa học và tìm tới cúng bái, trừ tà ma quỷ hoặc sử dụng các loại thuốc tự chế. Bởi vậy, nhân viên CTXH nên giải thích, tư vấn giúp cho người bệnh và gia đình thay đổi quan điểm, nhận thức để họ tìm tới sự trợ giúp chuyên môn, các cơ sở điều trị, như bệnh viện tâm thần, trung tâm CTXH, trung tâm y tế, cơ sở tư vấn tham vấn trị liệu tâm lý...

 

Nâng cao kỹ năng CSSK cho NTT

 

Ông Nguyễn Văn Tụy, chuyên viên Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), cho rằng trên cơ sở những nội dung về CSSK cho NTT, cán bộ, nhân viên CTXH về địa phương sẽ khuyến khích, hướng dẫn người bệnh và gia đình áp dụng các phương pháp tự chăm sóc, tự trị liệu khoa học. NTT thường cần thời gian dài để chữa trị, trong bối cảnh thiếu cơ sở chăm sóc và nguồn lực, việc tự trị liệu của cá nhân, gia đình không những giúp giảm chi phí cho gia đình mà còn giúp cho quá trình hồi phục tại gia đình được nhanh chóng, giúp họ nâng cao tự tin, trở thành “nhà trị liệu” cho chính mình.

 

Theo các giảng viên lớp tập huấn, một yếu tố không thể thiếu trong CSSK cho NTT tại cộng đồng, đó là tạo sự gắn kết giữa các cá nhân, tổ chức, lãnh đạo địa phương và người dân. Đây là điều kiện thuận lợi trong các hoạt động can thiệp trợ giúp sau này, cũng chính là nguồn lực thống nhất và gắn bó để can thiệp nhằm cải thiện khi có sự mâu thuẫn, xung đột. Điểm quan trọng nữa là nhân viên CTXH phải nắm được các chương trình, chính sách, dịch vụ cho bệnh nhân liên quan tới sức khỏe tâm thần. Vì người mắc bệnh tâm thần được coi như là một người bị khuyết tật, nên cần có các chính sách cho người bị bệnh tâm thần. Thực tế có nhiều chương trình, dịch vụ để hỗ trợ bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Do vậy, nhân viên CTXH cần nắm được và cập nhật thường xuyên các chương trình, dịch vụ này để đảm bảo việc đánh giá đầy đủ về nguồn lực trước khi xây dựng kế hoạch trợ giúp. 

 

Để người bệnh tâm thần sớm phục hồi chức năng, ngoài việc điều trị của các cơ sở y tế, đòi hỏi sự quan tâm, sẻ chia, hỗ trợ của thân nhân và cộng đồng. Đặc biệt là tránh sự kỳ thị phân biệt đối xử với NTT để giúp họ sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng.

 

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng

người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek