Thời gian qua, cuộc sống của nhiều hộ dân ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) bị đảo lộn do mùi hôi từ Nhà máy Chế biến cao su Phúc Đặng Gia gây ra. Trong khi đó, quản lý nhà máy này lại cho rằng, đã chế biến cao su thì phải có mùi.
Nhà máy Chế biến cao su Phúc Đặng Gia đi vào hoạt động từ năm 2013, đến năm 2018 thì tạm dừng và vừa hoạt động trở lại vài tháng nay.
Ngày 12/8, chúng tôi đến thôn Ea Mkeng, nơi có Nhà máy Chế biến cao su Phúc Đặng Gia hoạt động. Nhiều người dân sống tại đây bức xúc với tình trạng không khí bị ô nhiễm do nhà máy gây ra, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. “Mỗi khi trời âm u, không có gió, mùi hôi phát ra từ nhà máy càng nhiều và rất khó chịu. Chúng tôi phải đóng cửa nhà, đi ra ngoài đường hoặc đến hàng quán để ngồi. Nhưng hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chúng tôi chỉ còn cách chạy xe đến các vườn cây để trú ẩn, đến khi nào hết mùi hôi thì trở về nhà”, ông Trương Văn Tầm ở thôn Ea Mkeng, xã Ea Bar cho biết.
Cũng theo ông Tầm, tình trạng mùi hôi phát ra từ Nhà máy Chế biến cao su Phúc Đặng Gia đã kéo dài nhiều năm nay, dù lãnh đạo huyện Sông Hinh và các cơ quan chức năng đã nhiều lần đến kiểm tra nhưng chưa xử lý triệt để khiến người dân rất lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi khi trời đứng gió, 300 hộ dân ở thôn Ea Mkeng và buôn Trinh (xã Ea Bar) đều bị ảnh hưởng bởi mùi hôi từ Nhà máy Chế biến cao su Phúc Đặng Gia. Điều đáng nói là trong khu vực này còn có Trường tiểu học và THCS Ea Bar, với gần 800 học sinh. “Trước đây, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên, sự việc vẫn không được giải quyết. Hiện nay, nhà máy này đang hoạt động, chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của hàng trăm học sinh và thầy cô giáo của trường”, thầy Nguyễn Ngọc Ý, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Ea Bar nói.
Việc đưa Nhà máy Chế biến cao su Phúc Đặng Gia đi vào hoạt động giúp nhiều hộ nông dân xung quanh khu vực nhà máy tiêu thụ được sản phẩm. Tuy nhiên, việc dung hòa giữa lợi ích kinh tế với việc đảm bảo môi trường sống của người dân xung quanh nhà máy chưa được đảm bảo. Bà Vũ Thị Hằng ở thôn Ea Mkeng cho biết: “Chúng tôi ủng hộ Nhà máy Chế biến cao su Phúc Đặng Gia hoạt động, góp phần giải quyết đầu ra cho người trồng cây cao su. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà máy phải sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Quỳnh, quản lý sản xuất Nhà máy Chế biến cao su Phúc Đặng Gia, phân trần: Tôi mới tiếp quản Nhà máy Chế biến cao su Phúc Đặng Gia và khôi phục hoạt động của nhà máy. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi luôn có những biện pháp tốt nhất để giảm tình trạng ô nhiễm không khí như: xử lý nước qua hệ thống ozone theo định kỳ, đúng tiêu chuẩn quy định. “Đặc trưng của nhà máy chế biến cao su luôn có mùi hôi, vì vậy chúng tôi sẽ cố gắng giảm thiểu đến mức thấp nhất mùi hôi phát sinh trong quá trình sản xuất để không làm đảo lộn cuộc sống người dân”, ông Quỳnh cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Ea Bar, công an và địa chính xã đã nắm bắt tình hình ô nhiễm không khí xung quanh Nhà máy Chế biến cao su Phúc Đặng Gia, ghi nhận những phản ánh của người dân và báo cáo huyện để tiếp tục kiểm tra và có hướng xử lý.
NHẬT HUY