Soi Nga, một vùng đất màu mỡ thuộc thôn Chí Thán, xã Đức Bình đông (huyện Sông Hinh) hàng chục năm nay thường xuyên xảy ra tình trạng hoa màu bị phá hoại. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết.
Sắn trồng ở Soi Nga bị kẻ xấu bẻ sát gốc. - Ảnh: L.KHA |
Sự việc mới nhất trong cuộc tranh chấp đất đai, hoa màu ở Soi Nga diễn ra vào đêm 22/3. 15,5 sào sắn bị kẻ xấu bẻ, chặt sát gốc, cả cây lớn, cây nhỏ đều không chừa. Số diện tích trên thuộc sở hữu của 5 hộ gia đình ở thôn Chí Thán. Điều đáng nói là những rẫy sắn nằm cách xa nhau, xen giữa là các loại cây trồng khác nên sự phá hoại là có chủ đích. Trong đó, hộ gia đình ông Dương Văn Thọ bị nặng nhất với 10 sào ở 3 rẫy riêng biệt bị chặt phá hoàn toàn. Người dân địa phương cùng cán bộ xã cho hay, những vụ phá hoại tương tự như vừa qua là không hiếm và đã kéo dài từ rất nhiều năm qua.
Theo những người cao niên ở thôn Chí Thán, vùng đất Soi Nga nằm cạnh sông Ba được phù sa bồi đắp thường xuyên nên rất màu mỡ. Cả vùng đất rộng hàng trăm ha được người dân trồng bắp, đậu các loại, dưa và sắn… Ngoài cánh đồng Chí Thán, Soi Nga được xem là cánh đồng năng suất cao của Đức Bình Đông, là nguồn thu nhập chính của gần 100 hộ dân.
Ông Nguyễn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bình Đông và cũng là người “sống với vùng Chí Thán từ ngày cha sanh mẹ đẻ tới giờ”, năm nay gần 60 tuổi, cho hay: Chuyện chặt phá đã diễn ra từ sau năm 1979. Trước đây, làng Soi Nga nằm cạnh sông rất trù phú nhờ đất đai màu mỡ. Do bị thực dân Pháp càn quét nên bà con chuyển làng đi, nhưng cũng chỉ ở quanh quẩn vùng Chí Thán và vẫn canh tác ở Soi Nga. Vài chục năm trước, một số người dân phía đông thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) sang thuê đất Soi Nga để canh tác. Tuy nhiên, sau khi hết hạn cho thuê, nhiều người đã không trả lại đất mà chiếm lấy làm của mình để canh tác dài hạn. Tranh chấp xuất phát từ đó.
Năm 1979, khi đất nông nghiệp được giao cho các hợp tác xã quản lý thì vùng đất Soi Nga thuộc HTX Đức Bình Đông. Năm 1985, khi huyện Sông Hinh được thành lập, vùng Soi Nga lại càng tách biệt với dân Củng Sơn vì không thuộc quyền quản lý của huyện Sơn Hòa. Do đó, chủ đất trước đây đã lấy lại đất để trồng hoa màu. Nhưng một bộ phận người dân ở phía đông thị trấn Củng Sơn vẫn bất bình, thỉnh thoảng sang phá hoại hoa màu của người dân Chí Thán. Phó Chủ tịch Hội Nông dân Đức Bình Đông Nguyễn Ngọc Đương, cho biết: Sự phá hoại nhỏ lẻ vẫn thường xuyên xảy ra nên người dân Chí Thán gặp rất nhiều khó khăn trong canh tác và bảo vệ hoa màu. Muốn đến được Soi Nga, người dân Chí Thán phải đi 2km, trong khi từ Củng Sơn sang chỉ lội qua con sông. Trước đây, đã có lần UBND huyện Sông Hinh sang làm việc với UBND huyện Sơn Hòa để tìm hướng giải quyết, nhưng toàn bộ vấn đề chỉ dừng lại ở đó, các cấp chính quyền thấp hơn vẫn không có hành động nào cụ thể.
Hiện tại, có không ít người dân Củng Sơn đã thuê hoặc mua lại đất ở Soi Nga và trồng hoa màu chung với người dân trong vùng. Qua tìm hiểu của chúng tôi, dù người dân Chí Thán bị phá hoại hoa màu rất nhiều lần, nhưng may mắn là chưa xảy ra việc xô xát, đánh nhau. Dù vậy, để ổn định tình hình an ninh trật tự, các ngành chức năng, nhất là UBND thị trấn Củng Sơn và xã Đức Bình Đông, cần phối hợp giải quyết triệt để tình trạng tranh chấp đất, phá hoại sản xuất đã kéo dài nhiều năm nay.
LY KHA