Với chiếc ba lô con cóc trên lưng, chiếc mũ tai bèo, đôi dép cao su và bộ quân phục màu xanh như thuở còn trong quân ngũ, thương binh Trần Ngọc Sơn xuất phát từ Văn phòng Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 18/2. Ông dự định sẽ đến TP Hồ Chí Minh đúng vào ngày 30/4 - kỷ niệm 33 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 31/3 vừa qua, ông Sơn đã đặt chân đến Phú Yên và tiếp tục hành trình một ngày sau đó.
Ông Trần Ngọc Sơn trước giờ tiếp tục hành trình tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy An ngày 1/4 - Ảnh: D.T.XUÂN |
Mỗi ngày tôi đi bộ khoảng 20-30 cây số. Lúc bước qua cầu Hiền Lương ở Quảng Trị, tôi tưởng không đi nổi nữa. Nhưng ý chí của người lính Cụ Hồ đã thôi thúc tôi bước tiếp như ngày xưa trên đường hành quân” - ông Sơn kể. Trên hành trình, ông Sơn đã vào Nghĩa trang Trường Sơn thăm mộ các đồng đội, đồng chí đã ngã xuống trên đất này. Ông cũng gặp lại những đồng đội và bà con năm xưa từng cưu mang, che chở, giúp đỡ cho đơn vị ông chiến đấu với quân thù. “Tôi thật sự xúc động, có lúc tâm trạng lắm, khi thấy không ít đồng đội và bà con còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống”.
Động cơ nào đã khiến ông thực hiện chuyến đi này? Không trả lời ngay câu hỏi của tôi, ông đưa ra quyển nhật ký hành trình. Tôi liếc nhanh vào bên trong quyển sổ bìa da đã sờn ở góc. Phía trên những con dấu đỏ và chữ ký xác nhận ngày đến, ngày đi là nhiều nhận xét, cảm nhận bày tỏ sự cảm phục, khen ngợi của lãnh đạo các địa phương nơi ông dừng chân. Ông bảo: “Tôi đi bộ để rèn luyện mình. Tôi thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Thương binh tàn nhưng không phế. Đây cũng là một cách tôi thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Vừa nói, ông vừa chỉ xuống gót chân đã chai sờn, ở phía gót chân trái đã sưng đỏ. “Đau lắm! Tôi đã sút đến năm cân rồi. Nhưng hề gì. Tôi quyết tâm sẽ đến đích đúng dự kiến” – người thương binh nói rắn rỏi.
Những ngày tháng tư lịch sử này, ra đường, bạn gặp một người trong trang phục bộ đội, đầu đội mũ tai bèo, ba lô trên lưng, nét mặt rắn rỏi, chân đi hơi khập khiễng hướng về phương Nam, nơi có thành phố mang tên Bác… thì đó là người thương binh giàu nghị lực Trần Ngọc Sơn. Ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Kiến Xương, Thái Bình. Tháng 8/1972, chàng trai 16 tuổi Trần Ngọc Sơn tình nguyện vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, trải qua “mùa hè đỏ lửa” 1972, ông xuất ngũ với tỉ lệ thương binh 61%, trong đó có 22% thương tật.
DƯƠNG THANH XUÂN