Năm học 2018-2019, Phú Yên có hơn 166.270 học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT, đạt 99,44%; trong đó, 7/9 huyện, thị xã đạt 100%. Tuy nhiên đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) tại trường học vẫn còn những vấn đề cần khắc phục.
Giải pháp tạm thời
Những năm qua, mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp đảm bảo HSSV được chăm sóc y tế trường học, thế nhưng tại nhiều trường từ bậc mầm non đến THCS, THPT vẫn còn tình trạng thiếu nhân viên và tủ thuốc y tế, khiến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho HSSV nảy sinh nhiều bất cập.
Theo quy định, chỉ khi trường học có đầy đủ nhân viên y tế trường học, cơ quan BHXH mới trích chuyển kinh phí khám chữa bệnh (KCB) kịp thời về nhà trường. Quỹ này được sử dụng cho việc mua thuốc men, các dụng cụ y tế thiết yếu phục vụ sơ cứu, xử lý ban đầu cho học sinh nếu chẳng may bị ốm đau, tai nạn tại trường học.
Ngoài ra, quỹ còn được sử dụng vào việc khám sức khỏe định kỳ cho học sinh; tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, truyền thông giáo dục về sức khỏe tại trường học, xử lý vệ sinh môi trường; phòng, chống các bệnh lây lan trong phạm vi trường học và trả phụ cấp cho cán bộ y tế nhà trường... Vì vậy, khi nhà trường không có đủ điều kiện này, việc trích chuyển kinh phí sẽ bị chậm trễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác y tế trường học, năm 2017, Sở Y tế chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố giao trạm y tế xã, phường, thị trấn tham mưu trong việc thỏa thuận khối lượng công việc để trung tâm y tế ký hợp đồng trách nhiệm đối với các trường học nhằm thực hiện công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe học sinh tại trường. Tuy nhiên, ngoài những trường hợp có hợp đồng, có nhân viên y tế, các trường còn lại không được chuyển hoặc chậm trễ khoản kinh phí CSSKBĐ.
Là trường đạt chuẩn quốc gia nhưng lâu nay Trường tiểu học Nguyễn Tất Thành (huyện Đông Hòa) không có nhân viên y tế học đường và phải hợp đồng với Trạm Y tế thị trấn Hòa Vinh để cử nhân viên y tế CSSKBĐ cho học sinh. Tuy nhiên, vì trạm ở xa trường, số lượng nhân viên của Trạm Y tế lại ít nên nhân viên y tế không thường xuyên có mặt tại trường lúc học sinh không may bị tai nạn, hay mắc các bệnh thông thường.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Hiệu trưởng nhà trường bức xúc: Khi học sinh xảy ra sự cố gì, nếu nhẹ thì giáo viên của trường tự sơ cứu cho các em; trường hợp nặng thì giáo viên trực tiếp đưa học sinh bị nạn, bệnh đến cơ sở y tế xã, hoặc huyện và liên lạc với gia đình. Điều này không những gây khó khăn cho giáo viên mà còn khiến phụ huynh có con em theo học tại trường không an tâm.
Đại diện Sở Y tế thừa nhận, do khối lượng công việc tại các trạm y tế quá nhiều so với định mức biên chế, nên không thể bố trí nhân viên có mặt thường xuyên tại trường học để CSSKBĐ cho học sinh theo yêu cầu của BHXH, mà chỉ có thể hợp đồng trách nhiệm khi học sinh xảy ra tai nạn sinh hoạt/bệnh cấp tính, nhà trường báo cho trạm y tế biết để phối hợp xử trí.
Trước việc thiếu nhân viên y tế trường học, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thủ trưởng các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn khẩn trương tìm kiếm và ký kết hợp đồng với người có chứng chỉ hành nghề KCB theo quy định của pháp luật về KCB hoặc cơ sở KCB như: trạm y tế phường, xã, phòng khám đa khoa... tại địa bàn trường hoạt động để thực hiện CSSKBĐ cho HSSV; đồng thời hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định chuyển giao cho BHXH để trích chuyển kinh phí CSSKBĐ đảm bảo kịp thời theo quy định.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Theo ông Lê Tính, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa, để công tác BHYT HSSV thuận lợi, đạt mục tiêu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH, ngành GD-ĐT và Y tế trong khâu hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong đó, nhà trường cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ trong việc vận động HSSV tham gia BHYT; UBND tỉnh, UBND huyện cần xem xét nguồn kinh phí ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho đối tượng HSSV; ngành Y tế nâng cao chất lượng KCB và quan trọng nhất là cần kiện toàn bộ máy nhân viên y tế trường học.
Là địa phương tập trung số lượng lớn HSSV, UBND TP Tuy Hòa vừa ban hành Công văn 1849/UBND ngày 4/9/2019 về giải quyết tạm thời việc CSSKBĐ tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Theo đó, UBND thành phố giao Phòng GD-ĐT có trách nhiệm đôn đốc các trường học trực thuộc khẩn trương thực hiện nội dung trên; đồng thời giao BHXH thành phố chủ động làm việc với các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp giải quyết khó khăn trong thực hiện CSSKBĐ cho HSSV theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo ông Phạm Minh Hữu, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, UBND tỉnh có định hướng kiện toàn bộ máy nhân viên y tế trường học, vì vậy vừa qua, Sở Y tế đã có cuộc họp với Sở GD-ĐT, BHXH tỉnh nhưng hiện chưa thống kê được số lượng nhân viên y tế trường học, số lượng đủ chuẩn để đưa ra hướng giải quyết.
HSSV là chủ nhân tương lai của đất nước, vì vậy chăm lo toàn diện cho thế hệ tương lai, nhất là về sức khỏe, thể chất là trách nhiệm của các cấp, ngành và của toàn xã hội. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan sớm bàn bạc, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu phòng chăm sóc y tế, thiếu cán bộ y tế học đường để chuyển cấp kịp thời nguồn kinh phí CSSKBĐ tại nhà trường phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe cho HSSV.
Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh |
THÁI HÀ