Thứ Tư, 27/11/2024 04:29 SA
Cùng vào cuộc chủ động ứng phó với bão
Thứ Ba, 29/10/2019 22:28 CH

Các ngư dân Phú Yên cùng nhau giằng neo lại tàu thuyền trước khi bão vào bờ. Ảnh: ANH NGỌC

Sáng 29/10, đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão trên biển Đông. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh.

 

Theo Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, đến chiều 29/10, vị trí tâm bão vào khoảng 12 độ vĩ bắc, 114,9 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 100km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo đến 7 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở khoảng 12,6 độ vĩ bắc, 112,3 độ kinh đông, cách các tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa khoảng 300km về phía đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11, cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.

 

Ông Trần Công Danh, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, cho biết: Từ ngày 30-31/10, dự báo ở các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to, tổng lượng mưa từ 300-400mm/đợt; riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa lên tới 400-600mm/đợt.

 

Không để tài sản tan theo bão

 

Tại khu vực Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam đang có hàng ngàn lồng bè nuôi thủy sản và hàng chục bè kinh doanh dịch vụ ăn uống, lại ở vùng tâm bão dự kiến đi qua, để hạn chế thiệt hại, chiều 29/10, lãnh đạo huyện Đông Hòa tổ chức họp khẩn với lãnh đạo các xã, thị trấn, phòng, ban của huyện và BĐBP đứng chân trên địa bàn huyện để bàn phương án ứng phó với bão.

 

Tại cuộc họp, ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa yêu cầu cả hệ thống chính trị và người dân trong huyện cùng vào cuộc phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng. Chủ động di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm ở ven biển, vùng cửa sông có nguy cơ ngập sâu, sóng lớn như thôn Phú Lễ, xã Hòa Thành; thôn Hiệp Đồng, xã Hòa Xuân Đông; thôn Phước Giang, xã Hòa Tâm; Vũng Rô…

 

Từ hôm nay (30/10), các xã, thị trấn, phòng, ban của huyện Đông Hòa tổ chức trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ.

 

Theo UBND xã Hòa Xuân Nam, tại khu vực Vũng Rô đang có hàng ngàn lồng bè nuôi thủy sản và nhiều bè kinh doanh dịch vụ ăn uống. Để giảm thiệt hại do bão gây ra, UBND xã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Rô cử lực lượng đến các khu vực dân cư và liên lạc với những lao động đang làm việc tại vịnh thông báo về diễn biến của bão; đồng thời yêu cầu gia cố lại nhà cửa, giằng neo lại lồng bè trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

 

Qua điện thoại, ông Trần Văn Thanh đang nuôi tôm hùm ở vịnh Vũng Rô cho hay, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12 năm 2017, từ chiều 29/10, ông đã huy động người thân trong gia đình ra biển để hỗ trợ việc chằng chống, giằng neo lồng bè nhằm tránh thiệt hại khi bão vào. “Tôi không thể để tài sản của gia đình tan theo bão như năm 2017 nữa. Lần này, tôi phải chủ động gia cố lồng bè, giằng neo cho vững chắc”, ông Thanh quả quyết.

 

Người dân kiểm tra việc neo đậu tàu tại Cảng cá Đông Tác. Ảnh: ANH NGỌC

 

Còn tại xã Hòa Hiệp Nam, ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch UBND xã này cho biết, chính quyền xã cũng đã phối hợp với lực lượng biên phòng và dân quân triển khai các phương án phòng chống lụt bão, nhất là tại các khu vực bến cảng, đìa nuôi tôm dọc sông Đà Nông. Mọi công tác đối phó với bão đã được xã gấp rút triển khai.

 

Tại khu neo đậu tàu thuyền thuộc Cảng cá Đông Tác, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), nhiều ngư dân đã chủ động neo, cột tàu thuyền, hạn chế va đập giữa các tàu, gây hư hỏng. Ngư dân Nguyễn Văn Lễ, chủ tàu cá PY90279TS cho biết: Vài ngày trước, tôi định ra khơi khai thác hải sản, nhưng thấy sóng to, gió lớn nên phải cho tàu nằm bờ. Để ứng phó với bão, gia đình tôi đã dùng nhiều dây thừng cột và neo tàu nhằm đảm bảo an toàn khi có gió bão.

 

Còn trên các bãi bồi ở hạ lưu sông Ba, khi nghe thông tin có bão kèm theo mưa lớn, các hộ chăn nuôi bò và trồng hoa màu trên các bãi bồi gấp rút di chuyển đàn bò và thu hoạch hoa màu đưa vào bờ trước khi nước sông dâng cao.

 

Dù nhận định tâm bão sẽ không vào địa phương, nhưng chiều qua, TX Sông Cầu cũng đã chủ động phát dọn cây xanh ở khu vực thị xã và dưới các đường dây điện. UBND thị xã đã chỉ đạo các xã, phường triển khai các phương án, kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, hướng dẫn ngư dân đưa tàu thuyền vào các khu neo đậu, tổ chức chằng chống nhà cửa, lồng bè nuôi thủy sản và các công trình khác. Di dời dân ở các vùng trũng thấp, xung yếu đến nơi an toàn. “Khó khăn nhất hiện nay ở Sông Cầu là công tác vận động ngư dân ở trên các bè nuôi thủy sản vào bờ trước khi bão đổ bộ vào đất liền”, ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết.

 

Chủ động sơ tán người dân

 

Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 675ha ao đìa nuôi thủy sản và hơn 91.000 lồng bè nuôi thủy sản, chủ yếu ở các địa phương ven biển. Đối với hồ thủy điện, lưu lượng nước về hồ trung bình từ 50-150m3/s. Mực nước các hồ thủy điện vào ngày 29/10 ở hồ thủy điện Sông Hinh là 199,85m/209m (mực nước thiết kế); hồ thủy điện Sông Ba Hạ là 101,5m/105,00m; hồ thủy điện Krông H’năng là 242,89m/255,00m. Trên địa bàn tỉnh hiện có 50 hồ chứa nước thủy lợi, trong đó có 3 hồ thủy lợi với dung tích hơn 10 triệu mét khối, gồm: Phú Xuân, Suối Vực và Đồng Tròn. Mực nước tính đến ngày 29/10 đối với các hồ này đang tích nước phổ biến từ 30-40% so với thiết kế…

 

Tại cuộc họp, đại diện các địa phương, sở, ngành cho biết đã triển khai các phương án ứng phó với bão. Chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Trần Hữu Thế yêu cầu các địa phương chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, gây ngập sâu, nhà không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất... Đồng thời, các địa phương chủ động triển khai các phương án phòng chống ngập úng ở các đô thị, khu dân cư và bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản; kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết.

 

UBND tỉnh đề nghị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục thông tin liên lạc các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng trách, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng thống kê, nắm chắc số liệu tàu thuyền/lao động/khu vực đang hoạt động trên biển. Các sở, ngành và địa phương khẩn trương triển khai lực lượng, duy trì nghiêm chế độ trực, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia PCTT-TKCN, xử lý khi có tình huống xảy ra.

 

Tùy tình hình sẽ cho học sinh nghỉ học

 

Chiều 29/10, Sở GD-ĐT Phú Yên có thông báo khẩn yêu cầu các phòng GD-ĐT, đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai công tác ứng phó với bão.

 

Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị, trực thuộc thường xuyên theo dõi diễn biến của bão và giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra từ ngày 30/10-2/11. Phối hợp với quân đội, công an trên địa bàn và ban đại diện cha mẹ học sinh ứng phó với mưa lũ do bão gây ra. Tùy tình hình cụ thể, các đơn vị trường học chủ động cho học sinh nghỉ học hoặc có kế hoạch sơ tán học sinh ngay trong các ngày từ 31/10-2/11; đồng thời nhắc nhở học sinh không được đến những nơi có vùng nước sâu, dễ gây sạt lở; không tụ tập bạn bè tắm sông, suối, hồ, nơi có vùng nước nguy hiểm phòng tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra. Có kế hoạch khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra; kế hoạch dạy bù cho những ngày nghỉ học nếu có; chủ động tổ chức thăm hỏi động viên kịp thời các gia đình giáo viên, học sinh không may bị thiệt hại do mưa bão gây ra.

 

Đến chiều 29/10, có 345 tàu cá với 1.924 lao động của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển. Trong đó, 232 tàu cá, với 1.436 lao động hoạt động trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1; 113 tàu cá, với 506 lao động đang hoạt động gần bờ trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Tất cả chủ các phương tiện trên đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến áp thấp nhiệt đới/bão trên biển Đông và chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, thường xuyên liên lạc với gia đình và BĐBP.

 

Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh

 

ANH NGỌC - VÂN NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek