Thứ Tư, 27/11/2024 14:30 CH
Nâng cao chỉ số PAPI: Cần đồng bộ nhiều giải pháp
Thứ Bảy, 26/10/2019 09:13 SA

Hội thi tìm hiểu về công tác CCHC trong CCVC các cơ quan tỉnh được xem là một giải pháp tuyên truyền hiệu quả việc cải thiện chỉ số PAPI. Ảnh: KIM CHI

Chỉ số PAPI được đánh giá là hệ thống chỉ báo có tính khách quan, góp phần đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Việc cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh đã được triển khai hơn 3 năm qua nhưng chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

 

Phóng viên Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này.

 

Đồng chí Trần Hữu Thế

* Thưa đồng chí, năm 2016 và 2017, chỉ số PAPI của tỉnh Phú Yên tăng điểm và tăng vị thứ xếp hạng, nằm trong nhóm trung bình thấp. Nhưng năm 2018, chỉ số này của tỉnh lại tụt xuống, xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố. Nguyên nhân do đâu?

 

-Về khách quan, Bộ tiêu chí đo lường của PAPI năm 2018 có nhiều thay đổi so với giai đoạn năm 2017 trở về trước. Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan hành chính trong quá trình tổ chức, thực hiện. Trình độ dân trí ngày càng cao đã đặt ra những nhu cầu và đòi hỏi ngày càng khắt khe của xã hội về sự phục vụ của bộ máy chính quyền địa phương...

 

Về chủ quan, công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính (CCHC), cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh ở một số sở, ngành, huyện và cấp cơ sở chưa đồng bộ. Việc triển khai các nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở nhiều nơi còn hình thức. Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) còn trễ hẹn, hơn 6% hồ sơ cấp huyện bị trễ hẹn nhưng không thực hiện việc xin lỗi người dân.

 

Năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở xã, phường, thị trấn không đồng đều. MTTQ và đoàn thể các cấp chưa thực sự thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội được nhân dân ủy quyền, có nơi, có lúc còn lúng túng. Việc tổ chức các hình thức, phương thức tham gia của người dân vào hoạt động quản lý hành chính chưa thực sự khoa học, thiếu thiết thực...

 

* Những ưu điểm mà Phú Yên đạt được về PAPI trong giai đoạn 2011-2018 là gì, thưa đồng chí?

 

- Năm 2018, tuy thứ hạng chỉ số PAPI của Phú Yên thấp, nhưng trong giai đoạn 2011-2018, một số nội dung thành phần được người dân đặc biệt quan tâm, ghi nhận sự nỗ lực và đánh giá cao sự phục vụ của các cấp chính quyền như: công khai, minh bạch quy hoạch sử dụng đất, giá đất; tạo điều kiện cho người dân tương tác với các cấp chính quyền; kiểm soát được tham nhũng trong chính quyền và trong cung ứng dịch vụ công; cấp phép xây dựng; cung cấp dịch vụ y tế công lập; an ninh trật tự trong khu dân cư và quản trị môi trường…

 

Để cải thiện chỉ số PAPI, các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép nội dung cụ thể về tuyên truyền CCHC vào kế hoạch CCHC hàng năm của các cơ quan, địa phương. Theo đó, các cơ quan, địa phương quan tâm tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức về nội dung, ý nghĩa và mục đích của CCHC, nâng cao chỉ số PAPI, PCI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh dưới nhiều hình thức khác nhau.

 

Nâng cao chỉ số PAPI là một trong những nội dung quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, địa phương; là trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC nên cần được tiến hành đồng bộ, kiên trì, liên tục, lâu dài. Các cấp, ngành cần gắn mục tiêu cải thiện chỉ số PAPI với chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch CCHC hàng năm của cơ quan, đơn vị...

* Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, chỉ số PAPI của Phú Yên nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố cao nhất của cả nước. UBND tỉnh có những giải pháp gì để đạt được mục tiêu này, thưa đồng chí?

 

- Để nâng cao các chỉ số thành phần, đạt được mục tiêu như Chương trình hành động 06 của Tỉnh ủy đề ra, các cấp chính quyền trong tỉnh cần phải có những giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt để sớm cải thiện hiệu quả quản trị hành chính, đáp ứng những kỳ vọng của người dân.

 

Trong đó, việc nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được xếp ở nhóm đầu. Đồng thời cần tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động tại địa bàn dân cư; nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân của UBND cấp xã, huyện; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Thủ trưởng các cơ quan, địa phương phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối thoại và giải quyết TTHC liên quan đến người dân, tổ chức; công khai đầy đủ, kịp thời bằng nhiều hình thức những quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số để nhân dân biết, thực hiện, giám sát.

 

Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định TTHC; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và giáo dục; đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 trong thực hiện TTHC; chỉ đạo các đơn vị, chức năng, địa phương quán triệt nghiêm túc chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững...

 

* Xin cảm ơn đồng chí!

 

ĐÔNG HẢI - PHẠM THÙY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek