Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã bố trí nơi ở ổn định cho 115 hộ dân vùng sạt lở sông Ba (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) theo Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi tái định cư, cuộc sống của người dân đã ổn định, từng bước phát triển sản xuất.
Dự án Bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai, sạt lở dọc sông Ba được thực hiện với mục tiêu di dời 115 hộ dân có nguy cơ ngập lụt và sạt lở dọc sông Ba của 2 khu phố Đông Hòa và Tây Hòa (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) để ổn định nơi ăn, nơi ở và từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội. Tổng số vốn đầu tư hơn 14,9 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
An cư…
Đến nay, 72 hộ đã đồng ý di dời trong đó có 50 hộ dọn đến nơi ở mới. Theo quy định, khi di dời mỗi hộ được bố trí 1 lô đất rộng hơn 100m2 và số tiền 20 triệu đồng để xây dựng nhà. So với trước đây, người dân ở khu tái định cư đã dần ổn định sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Luận (khu phố Đông Hòa) cho biết: Trước đây cứ đến mùa mưa lũ là gia đình tôi phải tìm nơi để cất đồ đạc, tài sản. Khi được Nhà nước bố trí chỗ này thì gia đình chuyển đến ngay và cảm thấy rất an tâm. Ở nơi mới này, gia đình có điều kiện chăn nuôi bò và phát triển đàn gà vì vị trí đất cao, không ngập lụt. Còn ông Đỗ Ngọc Nam, cũng ở khu phố Đông Hòa, nói: “Sau khi chuyển về đây, tôi thấy cuộc sống rất tốt, đường sá thuận lợi, buôn bán, làm ăn khá hơn. Nếu như trước đây phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu khi mùa mưa đến, thì nay đã không còn. Bây giờ bà con ai cũng chí thú làm ăn”.
Cùng với ổn định, phát triển sản xuất, diện mạo khu tái định cư cũng có nhiều đổi thay. Đa số các hộ đã xây dựng nhà ở kiên cố; số hộ được sử dụng nước sạch và điện lưới đạt 100%, trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 100%...
…rồi mới lạc nghiệp
Theo chị Trần Thị Thủy (khu phố Đông Hòa), trước đây, vào mùa mưa, nhất là khi Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ, nước dâng rất nhanh và “ăn” vào đất liền từ 2-3m; có nơi đến 5m. Tình trạng sạt lở bờ sông Ba đã làm mất hàng chục hécta đất sản xuất, uy hiếp nhà cửa và tính mạng của người dân cư trú ven sông. Chính vì vậy, dự án di dân, bố trí nơi ở mới đáp ứng được nguyện vọng của đa số hộ dân và phát huy hiệu quả về kinh tế - xã hội.
Đại diện Ban quản lý dự án Đầu tư và xây dựng huyện Sơn Hòa cho biết: Các hạng mục cơ sở hạ tầng của dự án này được đầu tư xây dựng rất bài bản và đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Vị trí thực hiện dự án được kết nối với trung tâm thị trấn của huyện rất thuận lợi cho sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Người dân khi đến nơi ở mới đều rất vui mừng vì không còn phải chịu cảnh ngập lụt, sạt lở.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 43 hộ dân ở vùng sạt lở dọc bờ sông Ba của thị trấn Củng Sơn chưa tự nguyện di dời ra nơi ở mới trong vùng dự án. Một hộ dân cho biết, dù rất muốn xây dựng nhà tại nơi ở mới, nhưng kinh tế gia đình khó khăn, trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời và ổn định cuộc sống, nên không đủ để di dời nhà cửa hay xây dựng nhà ở mới.
Một số hộ dân khác thì cho rằng, đã xây dựng nhà kiên cố gần khu vực sạt lở ở lâu nay, mồ mả ông bà tổ tiên cũng cạnh đó nên không thể di dời đi nơi khác. Trước tình hình này, UBND thị trấn Củng Sơn đang tiếp tục phối hợp các ban ngành, hội, đoàn thể… để vận động người dân di dời đến nơi ở mới. Bởi lẽ, chỉ khi các hộ dân trong vùng sạt lở ven sông Ba đến nơi ở mới thì tính mạng và tài sản của họ trong mùa mưa lũ mới được đảm bảo an toàn.
Những chính sách hỗ trợ dân tái định cư rất kịp thời, thiết thực từng bước hỗ trợ nhân dân vùng tái định cư ổn định cuộc sống lâu dài. Địa phương cũng đã tập trung hỗ trợ người dân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa thu nhập cao; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân sau tái định.
Ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa |
HOÀNG LÊ - XUÂN TRIỆU