Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2019 có khoảng 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Phú Yên. Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương và người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực trong công tác phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Thiên tai gây thiệt hại nặng
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, năm 2018, Phú Yên xuất hiện 9 cơn bão, 5 cơn áp thấp nhiệt đới; trong đó có 2 cơn bão số 8 và số 9 ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh gây mưa lớn trên diện rộng. Cũng trong năm qua, Phú Yên phải hứng chịu ảnh hưởng của 19 đợt không khí lạnh, nhiều đợt mưa lớn với tổng lượng mưa đo được tại các trạm từ 1.760,1mm-2.058,5mm. Lũ, giông sét, lốc xoáy làm nhiều nhà dân bị đổ sập, tốc mái và hư hỏng nặng. Tình trạng triều cường, sạt lở đất bờ sông, các khu dân cư ven biển diễn biến rất phức tạp. Hạn hán, cháy rừng cũng gây thiệt hại cho nhiều diện tích sản xuất lúa, hoa màu, rừng trồng của các địa phương. Tổng thiệt hại do thiên tai ở Phú Yên năm 2018 khoảng 240 tỉ đồng…
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Mùa khô năm 2019, do nắng nóng kéo dài nên trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng khô hạn và có hơn 10.200 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hơn 1.300ha lúa hè thu khô hạn mất trắng, hơn 5.000ha lúa hè thu thiếu nước tưới ảnh hưởng đến năng suất, nhiều diện tích cây trồng khô héo và chết. Cũng do ảnh hưởng nắng hạn kéo dài nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 68 vụ cháy rừng, làm thiệt hại hơn 1.160ha rừng trồng, khoảng 2.500ha rừng trồng các loại cây keo, bạch đàn, phi lao, dầu rái, sao đen, gõ mật… cũng bị chết.
Theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, địa phương có khoảng 2/3 dân số sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; trong đó có hơn 4.100 hộ nuôi trồng thủy sản, hơn 2.590 hộ có tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên biển và trên 2.100 hộ nằm trong vùng ngập lụt, xung yếu thường xuyên phải đối mặt với thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, triều cường.
Thời gian qua, mặc dù địa phương triển khai rất kỹ công tác chuẩn bị ứng phó trước khi xảy ra các loại thiên tai này nhưng vẫn chịu thiệt hại nặng nề. Để chủ động ứng phó thiên tai, ngay từ đầu năm, UBND TX Sông Cầu đã triển khai đến các địa phương trên địa bàn và người dân sẵn sàng các phương án chủ động ứng phó. Khó khăn nhất hiện nay ở Sông Cầu là công tác di dời, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản khi có bão xảy ra…
Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Đồng Xuân là huyện miền núi có địa hình rất phức tạp, hệ thống sông, suối tương đối dày, hàng năm tổng lượng nước từ các sông suối này đổ ra biển khoảng 1,5 tỉ m3. Chính vì địa hình phức tạp như vậy, hàng năm ở Đồng Xuân xảy ra từ 3-5 trận lũ lụt gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại, từ huyện đến cơ sở đã xây dựng và sẵn sàng triển khai các phương án khi có thiên tai, bão lũ xảy ra…
Chủ động ứng phó
Bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Thực tế cho thấy, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều thiên tai có nguồn gốc từ biến đổi khí hậu. Các hiện tượng này có chiều hướng tăng về cường độ, tần suất và diễn biến khó lường. Những hậu quả từ biến đổi khí hậu là rất nghiêm trọng, kéo theo những thiệt hại về kinh tế cũng như môi trường. Theo kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO, hiện nhiệt độ mặt nước biển đang có xu hướng giảm dần và dự báo khả năng trạng thái El Nino sẽ dần chuyển sang pha trung tính nhưng nghiêng về pha nóng từ khoảng tháng 10/2019 đến những tháng đầu năm 2020. Mùa mưa năm nay có khả năng đến muộn, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông khoảng 5-7 cơn, trong đó dự báo có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Phú Yên.
Cũng trong thời gian này, cần đề phòng khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp, phòng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc, mưa đá. Về không khí lạnh, có khả năng xuất hiện 4-6 đợt vào khoảng tháng 11-12/2019 và ảnh hưởng đến khu vực tỉnh Phú Yên. Dự báo, tổng lượng mưa từ tháng 9-12/2019 có khả năng xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, ở vùng núi đạt từ 1.200-1.500mm, khu vực ven biển từ 1.400-1.700mm. Từ tháng 10-12/2019 là thời kỳ lũ chính vụ trên các sông ở Phú Yên, các đợt lũ lớn tập trung chủ yếu từ tháng 10-11/2019.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: Để giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại do thiên tai, bão lũ, việc chủ động ứng phó của người dân và cộng đồng dân cư là rất quan trọng. Từ nay đến cuối năm 2019, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai, tăng cường công tác phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó với mọi thiên tai; tuyên truyền sâu rộng những kiến thức về phòng chống thiên tai cho người dân có ý thức chủ động phòng ngừa. Các sở, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm nhiệm vụ PCTT-TKCN năm 2019; huy động mọi nguồn lực tài chính cho công tác phòng chống này; triển khai thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn, phù hợp với điều kiện, loại hình thiên tai với từng địa phương. Các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá các khu dân cư ven sông, suối, xác định khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, sạt lở đất để bố trí dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm.
ANH NGỌC