Hiện nay, nguồn vốn Chương trình 135 năm 2019 giải ngân đạt tỉ lệ thấp. Nhiều địa phương cho rằng quy trình chờ phê duyệt từ Trung ương tới tỉnh, tới huyện đến xã quá dài, cần rút ngắn để không bị chậm vốn.
Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cho biết: Xã được phân bổ hơn 1,2 tỉ đồng vốn Chương trình 135; trong đó đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở 918 triệu đồng và hỗ trợ phát triển sản xuất 180 triệu đồng. Hiện vốn mới giải ngân được 399 triệu đồng cho 3 hạng mục công trình, chiếm hơn 33%. Còn lại vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đang chờ UBND huyện phê duyệt. 3 hạng mục công trình còn lại đang làm thủ tục thanh toán. Từ nay tới cuối năm chỉ còn 3 tháng không biết có kịp hoàn thành để quyết toán. Đặc biệt, giai đoạn này bước vào mùa mưa, các công trình thường dễ phát sinh chi phí. Nếu được giải ngân sớm, quá trình thực hiện gặp khó khăn, địa phương còn có thời gian đề xuất chỉnh sửa, bổ sung…
Theo Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh có 16 xã và 29 thôn, buôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020. Vốn kế hoạch năm 2019 được phân bổ cho tỉnh hơn 29 tỉ đồng. Hiện nay, vốn xây dựng hạ tầng cơ sở mới giải ngân được trên 7,8/22,2 tỉ đồng, chiếm 35%. Vốn hỗ trợ phát triển sản xuất giải ngân được gần 4,6/5,5 tỉ đồng, chiếm trên 83%. Chỉ có nguồn vốn cho duy tu bảo dưỡng công trình đến nay đạt 100% kế hoạch năm.
Theo ông Lê Vĩnh Lạc, Phó Trưởng Phòng Khoa giáo, Văn xã (Sở KH-ĐT), vốn Trung ương đưa về tháng 3/2019 nhưng phải tới tháng 7, tháng 8 mới giải ngân được cho các địa phương, bởi cấp huyện chờ cấp xã tập hợp đề xuất mới phê duyệt trình tỉnh. Cấp tỉnh lại chờ cấp huyện tập hợp đề xuất mới tổng hợp phê duyệt. Mặc dù làm đúng theo quy định nhưng đó là nguyên nhân chậm.
Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Địa phương chậm giải ngân vốn còn do các văn bản pháp lý quy định, hướng dẫn về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản thay đổi thường xuyên nên gặp khó khi lập thủ tục đầu tư và triển khai thi công. Cùng với đó, UBND cấp xã làm chủ đầu tư công trình nhưng thiếu nhân lực, năng lực cán bộ hạn chế nên chậm hoàn thành. Hơn nữa, định mức hỗ trợ không tăng mà điều kiện xây dựng ở vùng miền núi đặc biệt khó khăn phát sinh chi phí, giá cả ngày một tăng nên địa phương cần thời gian huy động nhiều nguồn vốn. Đồng thời đề nghị giao vốn trực tiếp cho cấp huyện và nâng định mức hỗ trợ cho cấp xã, thôn lên 3-5 lần so với hiện nay.
Để đẩy mạnh giải ngân vốn Chương trình 135, theo ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Trung ương có quy định chủ tịch UBND tỉnh được ủy quyền cho chủ tịch UBND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình quy mô nhỏ thuộc Chương trình 135 để rút ngắn thời gian đầu tư, nên với những hạng mục công trình được phép, cấp huyện cứ chủ động huy động vốn thực hiện.
Đối với các kiến nghị như tăng mức đầu tư, thu hút đội ngũ trí thức trẻ về công tác tại xã đặc biệt khó khăn, theo bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, những kiến nghị này đều có cơ sở thực tế nên Ủy ban Dân tộc sẽ ghi nhận và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh trong thời gian tới.
HẢI PHONG