Chương trình Ngày vì người nghèo đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng tới mọi tầng lớp trong xã hội, có ý nghĩa nhân văn và an sinh xã hội sâu sắc, thể hiện rõ tinh thần đạo lý “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc.
“Cú hích” từ các chính sách giảm nghèo
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hàng ngàn lượt hộ nghèo được tạo điều kiện phát triển sản xuất. Nếu như đầu năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 12,62% thì đến đầu năm 2019 còn 5,85% (15.150 hộ), ước cuối năm 2020 còn dưới 3%, theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều.
“Kết quả trên là nhờ có sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành và linh hoạt trong vận dụng chính sách giảm nghèo phù hợp với tình hình tại địa phương”, ông Võ Văn Binh khẳng định. Ngoài các chính sách giảm nghèo của Trung ương, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết thực hiện chính sách giảm nghèo từ nguồn ngân sách địa phương như: Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ các thôn, buôn hoàn thành Chương trình 135 ở các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; phương tiện nghe - xem và công tác quản lý giảm nghèo; kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”...
Từ các chính sách này, các địa phương, ngành liên quan đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng khó khăn, hỗ trợ cho vay vốn, kỹ thuật cho hộ nghèo phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế, nhà ở cho hộ nghèo đều được quan tâm triển khai thực hiện hàng năm và đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) có 845 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm và Ba Na, hầu hết là hộ nghèo. Ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã này cho biết, 5 năm qua, toàn xã giảm được hơn 200 hộ nghèo. Từ các mô hình sản xuất, cây giống, con giống được hỗ trợ, người dân từ chỗ chỉ biết trồng lúa rẫy phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời thì nay đã biết trồng cây lúa nước, áp dụng các kỹ thuật chăm sóc tiên tiến. Chăn nuôi trước kia theo tập quán thả rông “tự sinh tự diệt” thì nay bà con đã biết làm chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, tăng giá trị kinh tế cho vật nuôi.
Hộ nghèo huyện Phú Hòa được hỗ trợ bò giống. Ảnh: KIM CHI |
Mí Hoa ở thôn Phú Giang (xã Phú Mỡ), phấn khởi nói: “Năm nay lúa được mùa, bông sai lắm. Bà con mình yên tâm, không còn lo thiếu ăn nữa”. Còn anh Hứa Văn Nhay (dân tộc Nùng, ở xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh) chia sẻ: “Ngày trước gia đình tôi nghèo lắm, cơm chẳng đủ ăn, nhà cửa thì xập xệ. Gia đình tôi được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Hinh cho vay 20 triệu đồng để nuôi bò cái sinh sản. Từ con bò cái giống, tôi cố gắng chăm sóc, nếu sinh ra bê đực là tôi nuôi bán thịt, còn là bê cái thì tôi giữ lại để phát triển đàn. Đến nay, đàn bò của gia đình đã hơn 10 con”.
Tập trung mọi nguồn lực giảm nghèo nhanh, bền vững
Toàn tỉnh đang dốc toàn lực triển khai nhiều chương trình giảm nghèo với quyết tâm đến cuối năm 2019 cơ bản không còn hộ nghèo có thành viên là đối tượng thuộc chính sách người có công, hướng đến mục tiêu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. |
Ông Võ Văn Binh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh đang dốc toàn lực triển khai nhiều chương trình giảm nghèo với quyết tâm đến cuối năm 2019 cơ bản không còn hộ nghèo có thành viên là đối tượng chính sách người có công, hướng đến mục tiêu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Đồng thời triển khai phong trào thi đua theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, cùng với tập trung tổ chức thực hiện các chính sách, đề xuất các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo, các sở, ban ngành, địa phương huy động có hiệu quả nguồn lực từ nhân dân, cộng đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; hỗ trợ thực hiện các dự án, mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và nhân rộng các mô hình giảm nghèo trên địa bàn và cộng đồng. Phấn đấu để điều kiện sống của người nghèo trên địa bàn được cải thiện rõ rệt, nhất là về thu nhập, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; được tiếp cận ngày càng thuận lợi với các dịch vụ xã hội cơ bản…
Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh K Sor Y Phun chia sẻ: Để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ vào xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân, gồm các công trình nước sạch, bê tông hóa giao thông nông thôn, hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào nghèo, cho vay vốn ưu đãi để người dân cải tạo đất, mua giống và phương tiện phục vụ sản xuất, dạy nghề cho con em đồng bào...
KIM CHI