Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm, triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hữu hiệu để trợ giúp người tâm thần (NTT), người rối nhiễu tâm trí phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; truyền thông về công tác trợ giúp xã hội cho đối tượng này.
Phú Yên hiện có khoảng 2.500 người mắc bệnh tâm thần nặng; trong đó, 1.433 người bị tâm thần phân liệt, 657 người bị rối loạn tâm thần và 397 người chưa xác định được dạng tật cụ thể. Vì tỉnh chưa có trung tâm nuôi dưỡng NTT chuyên biệt, nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý đối tượng này.
Khó quản lý NTT lang thang
Những năm gần đây, tình trạng NTT lang thang trên các vỉa hè, đường phố, nơi tập trung đông người diễn ra khá phổ biến, nhất là ở TP Tuy Hòa. NTT bỏ nhà đi lang thang ngoài việc ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, còn có nguy cơ gây mất trật tự nơi công cộng và gây nguy hiểm đối với cộng đồng vì bản thân họ không làm chủ được hành vi. Trên thực tế, nhiều gia đình hết sức khó khăn, vất vả trong việc chăm sóc, quản lý NTT, nhất là những hộ nghèo, hộ gia đình cao tuổi, tàn tật. Vì vậy, một số gia đình chỉ còn cách nhốt NTT tại chỗ.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (phường 3, TP Tuy Hòa) chia sẻ: Con gái tôi bình thường rất ngoan hiền, nhưng mỗi khi trở trời, hay cháu mệt trong người là lại lên cơn, nói chuyện một mình, có khi cứ đi lang thang đầu đường xó chợ. Biết là con bị tâm thần nhẹ, gia đình cũng có chữa trị, nhưng không dứt hẳn”. Còn ông Bùi Tý (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) cũng luôn vất vả với con trai đã hơn 60 tuổi, phát bệnh tâm thần, hàng ngày cứ xuống TP Tuy Hòa lang thang, có khi đi quên đường về. “Biết con bệnh, nhưng tôi đã già yếu, đành để nó đi vậy chứ sao theo nổi”, ông Tý xót xa.
Tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội (NDNCC & BTXH) tỉnh, hiện nuôi hơn 30 người mắc bệnh tâm thần và hơn 10 người già bị lão hóa. Việc nuôi các đối tượng này cùng chung với những người có công, trẻ khuyết tật... là rất khó. Mỗi khi các đối tượng tâm thần lên cơn thường la hét suốt ngày, có khi cứ đi lang thang cả đêm làm ảnh hưởng rất nhiều đến những người đang sống cùng. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm NDNCC & BTXH, hiện nay, nhận thức của người dân về bệnh tâm thần còn rất hạn chế nên việc để NTT sống cùng người thân trong gia đình tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Sớm đưa phân khu nuôi dưỡng NTT vào hoạt động
Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Công tác chăm sóc NTT đang ngày càng trở thành một thách thức lớn và là gánh nặng đối với gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, triển khai nhiều hoạt động, các giải pháp hữu hiệu để trợ giúp NTT, người rối nhiễu tâm trí phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; truyền thông về công tác trợ giúp xã hội cho đối tượng này.
Trung tâm NDNCC & BTXH đang dần hoàn thiện phân khu nuôi dưỡng NTT, một số đối tượng tâm thần nặng không còn người thân chăm sóc, tạm thời được trung tâm tiếp nhận đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây. Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng BTXH, nhất là các đối tượng người có công.
Tình trạng NTT phần đông do gia đình tự quản lý và tự chăm sóc, nhiều trường hợp gia đình quá khó khăn (nhất là cha, mẹ già yếu) không có điều kiện quản lý, chăm sóc nên phải dùng các hình thức buộc xích hết sức thương tâm, làm cho bệnh tình ngày càng trầm trọng. Nhiều trường hợp NTT lên cơn bất thường, dùng vật cứng đánh chết cha mẹ hoặc người thân. Một số trường hợp tâm thần quá nặng không rõ thân nhân, lâu nay tỉnh phải gửi cho Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Bình Định giúp đỡ…
“Thực hiện đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, theo lộ trình đề ra cho toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, ngành LĐ-TB-XH Phú Yên sẽ tập trung huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho NTT để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị tâm thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời tiếp tục hình thành các nhóm cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội kết hợp với nhân viên y tế trợ giúp và phục hồi chức năng cho NTT tại các xã, phường, thị trấn; đầu tư từ hạ tầng cơ sở đến trang thiết bị để chăm sóc và phục hồi chức năng cho NTT; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho NTT dựa vào cộng đồng; tiếp tục nghiên cứu khảo sát, đánh giá nhu cầu phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại địa phương; rà soát, cập nhật số liệu đối tượng tâm thần được trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng vào cộng đồng ngày càng có hiệu quả”, ông Binh cho biết.
Hiện phân khu nuôi dưỡng người tâm thần của Trung tâm NDNCC & BTXH tỉnh cơ bản đã hoàn thành, đang chờ nghiệm thu và dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm nay. Với quy mô nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho từ 80-100 NTT, phân khu này góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, chăm sóc và điều trị phục hồi chức năng cho NTT trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm NDNCC & BTXH tỉnh |
KIM CHI