Trường trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên (Sở LĐ-TB-XH) được thành lập vào ngày 5/10/2009, trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm Dạy nghề huyện Sơn Hòa. Qua 10 năm hoạt động, đơn vị này đã đem lại hiệu quả trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động miền núi.
Trường trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực ở 3 trình độ: trung cấp, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên. Đối với trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên, hiện nay nhà trường đào tạo 8 nghề, gồm: Điện dân dụng, Kỹ thuật hàn, May công nghiệp, Trồng và nhân giống nấm, Trồng mía đường, Trồng sắn, Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò và Kỹ thuật chế biến món ăn.
Có thu nhập sau khi học nghề
Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, nhà trường đã mở 5 lớp sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên với tổng số 167 học viên, gồm 1 lớp nghề trang điểm cô dâu cho 27 học viên và 4 lớp nghề nông nghiệp (trồng sắn và nuôi phòng trị bệnh cho trâu, bò) cho 140 học viên.
Các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được nhà trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể xã, thị trấn khảo sát kỹ nhu cầu người học phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất tại địa phương nên hầu hết học viên sau khi tham gia lớp học nghề nông nghiệp đều ứng dụng kiến thức, kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập. Đối với các lớp phi nông nghiệp, học viên không chỉ tự tạo việc làm, mà còn có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp ở các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Vợ chồng chị Bùi Thị Phương Thảo ở xã Sơn Nguyên là học viên lớp trồng nấm năm 2018. Sau khi học nghề, chị Thảo cùng chồng đã ứng dụng kiến thức, kỹ thuật được học vào trồng nấm để tạo thêm thu nhập cho gia đình. Chị Thảo cho biết, mỗi tháng gia đình thu hoạch nấm 2 kỳ vào ngày rằm và mùng 1 (âm lịch), vì vào các ngày này người tiêu dùng thường ăn chay nên nấm bán rất đắt. Bình quân chúng tôi thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Ngoài trồng lúa, mía, keo, chăn nuôi, trồng nấm giúp gia đình tăng thêm thu nhập đáng kể. Nhờ vậy, chúng tôi có điều kiện nuôi các con ăn học.
Trồng mía, trồng sắn là những ngành nghề chủ lực về nông nghiệp của huyện miền núi Sơn Hòa. Nhiều nông dân nơi đây tham gia các lớp học nghề, nắm bắt kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng cho năng suất cao. Như hộ Y Nam ở thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên. Sau khi học nghề, Y Nam đã áp dụng kiến thức vào thực tiễn canh tác ruộng sắn, cho năng suất cao hơn hẳn những năm trước đó. “Gia đình tôi trồng khoảng 3ha mía, thu nhập trung bình khoảng 30-40 triệu đồng/vụ”, Y Nam cho biết.
Tiếp tục đào tạo nghề phù hợp
Bà Cao Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Nguyên, cho biết: Thời gian qua, nhiều hội viên phụ nữ của xã tham gia các lớp học nghề do Trường trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên tổ chức. Những nghề phi nông nghiệp như may mặc, nhiều chị em học nghề xong xin việc ở các công ty may mặc tại TP Tuy Hòa, vào TP Hồ Chí Minh, Bình Dương xin việc làm hoặc mở tiệm may tại nhà. Điển hình như chị Cao Thị Hằng mở quán ăn tại nhà, chị Hồ Thị Bích Hà mở tiệm trang điểm cô dâu, chị Võ Thị Mỹ Duyên mở tiệm may tại gia đình... Nhiều chị em học nghề nông nghiệp đã biết ứng dụng vào sản xuất cho năng suất cao.
Chị Võ Thị Mỹ Duyên ở xã Sơn Nguyên, nói: Lúc trước tôi có chiếc máy may để tự sửa quần áo cho người trong gia đình. Khi xã thông báo cho lao động tham gia lớp cắt may tại địa phương, tôi theo học và được hỗ trợ chi phí học tập. Qua 3 tháng, tôi đã mở được tiệm may nhỏ ngay tại nhà để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Theo ông Hoàng Văn Hải, không chỉ tạo cơ hội cho lao động nông thôn có nghề, có việc mà nhà trường còn liên kết với Nhà máy May Phong Phú - Phú Yên (TP Tuy Hòa) đào tạo nghề may. Sau khi học xong, người học được nhận về công ty làm việc. “Trong thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh bằng nhiều hình thức, nhất là đội ngũ thanh niên nhằm giúp họ hiểu được lợi ích từ việc học nghề, qua đó sẽ tham gia ngày càng hiệu quả”, ông Hải nói.
Các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được nhà trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể xã, thị trấn khảo sát kỹ nhu cầu người học phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất tại địa phương nên hầu hết học viên sau khi tham gia lớp học nghề nông nghiệp đều ứng dụng kiến thức, kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập.
Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường |
KIM CHI - NGỌC MINH