Thứ Bảy, 21/09/2024 13:40 CH
Ngành LĐ-TB-XH: Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh
Thứ Sáu, 05/07/2019 14:23 CH

Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH trao quà cho học sinh nghèo vượt khó - Ảnh: KIM CHI

Khi tái lập tỉnh (năm 1989), tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của Phú Yên đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chính sách quan trọng về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các biện pháp xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

 

Lúc mới tái lập tỉnh, hệ thống mạng lưới dạy nghề của tỉnh hầu như chưa có, chất lượng lao động nguồn nhân lực ở mức thấp, thiếu đội ngũ công nhân có trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề. Nguồn lao động chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm trên 80%; lao động công nghiệp - xây dựng chiếm dưới 10%, chủ yếu là lao động thủ công như sửa chữa, gia công… năng suất lao động thấp và hiệu quả kém.

 

Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị 13,2%; tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn 74,5%. Toàn tỉnh có hơn 36.000 hộ đói nghèo, tỉ lệ hộ nghèo trên 25,5%, trong đó hơn 63% hộ đói; trên 30.000 hộ gia đình nhà ở tạm bợ, không an toàn và gần 2.000 hộ chưa có nhà ở...

 

Phát huy hiệu quả các chính sách bảo trợ xã hội

 

Xuất phát từ tình hình thực tế đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chính sách quan trọng. Qua đó giúp nhân dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, nhà ở, việc làm, đời sống văn hóa...

 

Trong quá trình hoạch định chiến lược phát triển KT-XH ở Phú Yên, xác định công tác đào tạo nghề là một vấn đề quan trọng để phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT-XH và sự nghiệp CNH-HĐH của địa phương, tỉnh đã ban hành Quy hoạch mạng lưới dạy nghề của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2020; Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; khuyến khích phát triển các cơ sở đào tạo nghề tư nhân…, do đó số lượng cơ sở dạy nghề và số người được đào tạo tăng nhanh.

 

Đặc biệt đã ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội đặc thù như: phát triển KT-XH miền núi, nâng cao mức sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); xóa nhà ở tạm đối với hộ chính sách, hộ nghèo DTTS và hộ nghèo đặc biệt khó khăn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Từ một địa phương được coi là “trắng” về cơ sở dạy nghề, đến nay Phú Yên đã có 20 đơn vị dạy nghề, trong đó có 3 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp nghề, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập và 5 cơ sở giáo dục ngoài công lập.

 

Từ năm 1998 đến nay đã đào tạo nghề cho 148.724 người, trong đó trình độ cao đẳng 9.027 người, trung cấp 17.956 người, công nhân kỹ thuật 5.959 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 115.782 người. Nhờ đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 8,5% năm 1998 lên 64,05% năm 2018, trong đó lao động qua đào tạo nghề tăng từ 6,5% lên 47,02%. Nhiều doanh nghiệp chú trọng đến việc đặt hàng đào tạo lao động trước khi tuyển dụng, góp phần tăng cơ hội tìm việc làm cho người lao động. Phần lớn học viên sau khi được đào tạo có thể tự tạo việc làm hoặc làm việc tại các doanh nghiệp và tham gia xuất khẩu lao động.

 

Trên cơ sở triển khai có hiệu quả chương trình giải quyết việc làm của tỉnh và lồng ghép với các chương trình phát triển KT-XH từ năm 1989 đến nay đã tạo thêm việc làm cho trên 500.000 lao động; bình quân có trên 20.000 lượt lao động/năm có việc làm mới. Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 13,2% năm 1989 xuống còn dưới 4% vào năm 2018. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, tỉ lệ lao động trong công nghiệp - xây dựng từ dưới 10% năm 1991 lên 19,7%; dịch vụ tăng từ 11% năm 1991 lên 33,6%, đồng thời giảm tỉ lệ lao động trong nông nghiệp từ 80% năm 1991 xuống còn 46,7% năm 2017.

 

Với mục tiêu xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, ngay từ năm 1995, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về chủ trương biện pháp xóa đói giảm nghèo tỉnh Phú Yên, cùng với nguồn vốn vay của Ngân hàng Phục vụ người nghèo (nay là Ngân hàng Chính sách xã hội) đã có hàng chục ngàn hộ nghèo được vay vốn làm ăn, vươn lên trong cuộc sống. Mỗi nhiệm kỳ đại hội Đảng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết cơ bản vấn đề nghèo đói và xóa nhà tạm…

 

Từ năm 2001 đến nay, hơn 248.462 lượt hộ vay vốn phát triển sản xuất và hỗ trợ học tập, với tổng số tiền hơn 4.723 tỉ đồng; nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo phát huy hiệu quả. Đồng thời mua và cấp thẻ BHYT cho gần 2,2 triệu lượt người nghèo, cận nghèo và đồng bào DTTS; miễn giảm học phí gần 930.000 lượt học sinh, sinh viên. Đặc biệt được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của Ủy ban MTTQ các cấp và sự phấn đấu nỗ lực của các ban ngành, địa phương, sự tham gia đông đảo của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, từ năm 2002 đến nay, tỉnh đã huy động hơn 330 tỉ đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hơn 21.190 hộ nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, tăng thêm trách nhiệm từ cộng đồng, dòng tộc và sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân hộ nghèo.

 

Với sự triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp và trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội từ y tế, giáo dục, nhà ở, xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất và trợ cấp đời sống…, từ năm 1995 đến nay đã có 114.070 hộ thoát nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 2-2,5%, đưa tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2018 xuống còn 5,85% và phấn đấu còn dưới 3% vào cuối năm 2020. Cơ sở hạ tầng các xã, thôn (buôn) khó khăn cơ bản được đầu tư hoàn thiện, tạo sự chuyển biến tích cực về hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh. Đời sống nhân dân đã được cải thiện đáng kể, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS và vùng bãi ngang ven biển; bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc.

 

Tiếp tục phát huy thế mạnh, tập trung giảm nghèo bền vững

 

Để phát huy thành tích đạt được, khắc phục những hạn chế khó khăn cũng như bài học kinh nghiệm, Phú Yên tiếp tục kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - văn hóa và giải quyết các vấn đề xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, quan tâm đến các đối tượng chính sách, thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tích cực hội nhập và mở rộng quan hệ quốc tế.

 

Để đạt mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngành LĐ-TB-XH sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề theo hướng phát triển KT-XH của tỉnh, trong đó tập trung mở rộng sản xuất kinh doanh các ngành nghề thu hút tạo việc làm cho nhiều lao động, tích cực tham gia thị trường xuất khẩu lao động.

 

Phấn đấu đến năm 2020, giảm tỉ lệ lao động khu vực nông - lâm - ngư nghiệp xuống còn 33,4%, tăng tỉ lệ lao động trong công nghiệp - xây dựng lên 29,7% và dịch vụ 36,9%, giảm tỉ lệ thất nghiệp cả tỉnh còn 2,5%. Gắn nhiệm vụ đào tạo nghề với giải quyết việc làm để khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống, tập trung dạy nghề theo hướng tạo việc làm tại chỗ. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng bãi ngang ven biển.

 

Tỉnh cũng cần quan tâm hỗ trợ, bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm, ổn định thu nhập và góp phần nâng cao đời sống của người dân. Tiếp tục đẩy mạnh rà soát tích hợp các chính sách theo hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, cho không, hỗ trợ ngắn hạn, nhỏ lẻ, làm cho nguồn lực phân tán, hiệu quả giảm nghèo thấp. Tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho hộ nghèo; có cơ chế khuyến khích đặc thù đối với người nghèo trong đồng bào các DTTS để họ tích cực, chủ động vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước.

 

VÕ VĂN BINH

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek