Thứ Hai, 23/09/2024 07:22 SA
Tin giả, hậu quả thật
Thứ Hai, 10/06/2019 06:02 SA

Người truy cập mạng xã hội cần tỉnh táo để không bị cuốn vào những tin thất thiệt - Ảnh: PV

Phát biểu trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong đời thực có hàng ngàn tấn rác, không dọn sẽ ảnh hưởng sức khỏe, trên không gian mạng cũng có “rác”, không dọn sẽ ảnh hưởng não người. Và tin giả được xem là một loại rác trong môi trường thông tin, truyền thông vậy.

 

Trao đổi tin tức là nhu cầu như cơm ăn, nước uống hàng ngày của con người. Từ xa xưa, loài vượn cổ đại Homo Sapien tiến hóa cũng nhờ khả năng “tán gẫu, chia sẻ” thông tin để tập hợp lại thành những đàn lớn, củng cố sức mạnh tập thể. Với khả năng chia sẻ thông tin, loài người tiền sử cũng đã hình thành thói quen “tin tưởng người đứng đầu” để cùng săn bắt hái lượm, đấu tranh sinh tồn. Nhu cầu cập nhật tin tức của con người hiện đại mỗi ngày một lớn hơn nhờ những tiện ích mà internet mang lại. Phạm vi tiếp nhận tin tức ngày nay gần như không còn biên giới, từ môi trường sống hàng ngày, sách, báo, đến truyền thông mới trên Internet…

 

Cách tiếp nhận thông tin ngày càng thụ động, không chịu khó kiểm chứng nguồn tin của nhiều người là nguyên nhân của tin giả xuất hiện. Hậu quả mà tin giả gây ra trước mắt là dễ dàng nhận thấy. Nhưng nguy hại hơn cả là nó làm suy giảm niềm tin của công chúng vào truyền thông nói chung và báo chí nói riêng.

 

Vậy tin giả là gì? Đơn giản, tin giả là tin không có thật! Ở góc độ truyền thông, báo chí, tin giả là tin trái ngược với sự thật, là tin bịa đặt, không có căn cứ, đưa tin giả như thật. Tin giả đối với lịch sử báo chí thì không mới. Nhưng tin giả trên mạng xã hội lại là câu chuyện khác bởi sức lan tỏa chóng mặt và sự tác động to lớn của nó.

 

Thuật ngữ tin giả (Fake News) phổ biến sau cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016, sau đó nó lan rộng khắp châu Á, nhất là ở các nước Đông Nam Á. Từ một bức ảnh chụp vụ lật xe bồn ở Congo năm 2010 làm 200 người chết cháy, tin giả đưa “Ở Nigeria, người Hồi giáo đang thiêu sống người Thiên Chúa giáo, như bức ảnh này chứng minh” (kèm bức ảnh vụ tai nạn).

 

Còn nhớ, qua cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã cho thấy, tin giả đang bị chính trị hóa. Hàng loạt tin giả như: Giáo hoàng Francis ủng hộ ông Donald Trump; bà Hillary bán vũ khí cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS); phát hiện thi thể của một nhân viên FBI, người bị nghi là đã rò rỉ các email của bà Hillary… Những loại tin giả này được cho là nguyên nhân dẫn đến thất bại của đảng Dân chủ vào ngày 8/11/2016…

 

Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2015, truyền thông xã hội đã trở thành nguồn tin số 1 của người Mỹ. Trong đó Facebook và Twitter (chiếm 63%) là nguồn tin thời sự chính và xu hướng ngày càng tăng. Một khảo sát khác cũng cho thấy, 44% người Mỹ theo dõi tin tức thời sự trên Facebook. Trớ trêu, tin giả lại thường hấp dẫn hơn, thu hút hơn tin thật đối với không ít người. Nếu người đọc thiếu kiểm tra thì sức lan truyền của nó rất khủng khiếp.

 

Còn tại Việt Nam thì sao? Tháng 6/2016, Facebooker N.L đã tải một bức ảnh tố cáo Phòng Giáo dục TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh điều nữ giáo viên đi tiếp khách (kèm ảnh). Nhưng thực chất bức ảnh này là cảnh một quan chức Trung Quốc ăn chơi sa đọa với gái làng chơi! Một “tai tiếng” trong làng báo Việt Nam do tin giả vào cuối năm 2016 là nhiều cơ quan báo chí đã dẫn nguồn khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đăng tải thông tin sai sự thật, khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng nước mắm truyền thống có chứa chất độc Arsen vô cơ (thạch tín) có hại cho sức khỏe.

 

Thông tin sai sự thật này khiến nhiều người tiêu dùng quay lưng với nước mắm truyền thống, nhiều làng nghề lâm vào khó khăn chồng chất. Nhưng Arsen có trong nước mắm truyền thống là Arsen hữu cơ, tồn tại tự nhiên trong hải sản và hoàn toàn không gây hại với sức khỏe con người. Dù các báo đăng thông tin sai sau đó đã cải chính, nhưng sự việc vẫn ảnh hưởng lớn tới tâm lý người tiêu dùng.

 

Tháng 7/2017, tài khoản Facebook P.T.M đăng ảnh cứu nạn máy bay kèm thông tin máy bay rơi tại Nội Bài vì mưa to! Tin giả này lập tức được lan truyền rất nhanh trên Facebook. Ngay sau đó thông tin đã buộc gỡ bỏ, nhưng P.T.M vẫn bị cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra và bị xử phạt hành chính. Hơn 1 tháng sau, ngày 12/9/2017, UBND TP Thái Nguyên cũng đã xử phạt 12,5 triệu đồng đối với Đ.X.H vì hành vi tung tin đồn “vỡ đập hồ Núi Cốc” trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận…

 

Thời gian qua, không ít nhà báo vì không kiểm tra nguồn tin kỹ càng đã bị “sập bẫy” bởi thông tin trên mạng xã hội. Như tin về dàn siêu xe gắn biển xanh của TP Cần Thơ, nhưng thực chất hình ảnh đó chỉ là xe đồ chơi mô hình được chụp dưới gầm giường! Hậu quả là cơ quan báo chí đã bị cơ quan quản lý nhắc nhở, xử phạt.

 

Có thể nói dù vô tình hay cố ý, tin giả đã, đang và sẽ xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông, nhất là các mạng xã hội. Những tin giả đó sẽ được chia sẻ rộng rãi, Google và các công cụ tìm kiếm sẽ giúp chúng ta tìm thấy dễ dàng, điều đó cũng đồng nghĩa gia tăng độ tin cậy với người đọc.

 

Vậy giải pháp nào để ngăn ngừa tin giả? Đức là quốc gia sớm kiên quyết trong xử lý tin giả. Tháng 6/2017, Nghị viện Đức đã thông qua dự luật xử lý các phát ngôn gây thù hận, những tài liệu phạm tội và tin giả trên mạng xã hội. Dự luật yêu cầu mạng xã hội phải xóa bỏ các nội dung trên trong vòng 24 giờ sau khi cơ quan chức năng cảnh báo, nếu không sẽ phải nộp phạt lên tới 50 triệu euro. Liên minh châu Âu (EU) tháng 12/2018 cũng đã công bố Hệ thống Kế hoạch hành động chống tin giả (APAD) nhằm giúp các nước thành viên cảnh báo lẫn nhau tình trạng tin giả trên mạng xã hội với mục tiêu chia rẽ chính trị, cổ súy chủ nghĩa cực đoan.

 

Tháng 5/2019, Quốc hội Singapore cũng đã thông qua luật chống “tin tức giả mạo”. Chính phủ Singapore yêu cầu các mạng xã hội phải gắn cảnh báo bên cạnh những nội dung đăng tải mà cơ quan chức năng xác nhận là tin giả. Mức độ nghiêm trọng hơn thì buộc các mạng xã hội phải gỡ bỏ. Nếu ai phát tán tin giả đã được cơ quan chức năng cảnh báo là độc hại, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc Singapore, thì mức xử phạt có thể lên tới 735.000 USD. Người chia sẻ tin giả với ý đồ xấu, có thể chịu mức án 10 năm tù.

 

Việc ngày càng nhiều độc giả, khán giả bỏ qua các nguồn tin chính thống như báo chí, phát thanh truyền hình, chuyển sang đọc tin tức trên các mạng xã hội là một thói quen, bởi mạng xã hội thông tin nhiều hơn, đưa tin nhanh hơn. Khi gặp tin giả, phản xạ của số đông thường muốn chia sẻ ngay cho mình và bạn bè, không kiểm chứng thông tin thật hay giả, vô tình trở thành người tòng phạm trong phát tán thông tin sai sự thật. Tin giả xuất hiện ngày càng nhiều khiến cộng đồng luôn ngờ vực, xảy ra hiện tượng nhiễu loạn thông tin trong cộng đồng.

 

Nếu là người thường xem tin tức trên mạng xã hội, chúng ta nên chọn lọc tin tức có độ tin cậy cao, tạo thói quen kiểm chứng nguồn tin, so sánh đối chiếu với tin tức trên báo chí chính thống. Biết đề kháng trước thông tin sai sự thật và không tiếp tay cho việc phát tán tin giả là cách chúng ta góp phần loại trừ tin giả khỏi đời sống cộng đồng hiện nay.

 

---------------

(Bài viết có sử dụng số liệu từ các tác phẩm: Lược sử tương lai (Yuval Noah Harari); Khi bạn trở thành tâm điểm của truyền thông (Jefe Ansell, Jeferey Leeson); Báo chí và mạng xã hội (Đỗ Đình Tấn)

 

TRẦN THANH HƯNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek