Năm 2019, dự báo tình hình thiên tai diễn biến phức tạp. Do đó, ngay từ lúc này, các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương trong tỉnh tập trung rà soát, chuẩn bị các phương án để ứng cứu kịp thời khi tình huống xấu xảy ra.
Chống hạn, ngăn chặn cháy rừng
Theo Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, những tháng đầu năm 2019, nhiệt độ không khí khu vực tỉnh Phú Yên ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, lượng mưa cũng phổ biến ở mức thấp hơn mọi năm từ 20-40%. Mùa khô năm nay, dòng chảy, mực nước trên các sông, suối trong tỉnh ở mức thấp, có thể xảy ra nắng hạn gay gắt , cháy rừng đe dọa ở nhiều khu vực.
Thực tế những ngày vừa qua, tình hình nắng hạn đang ở mức cảnh báo nguy hiểm đối với một số nơi ở huyện miền núi Sông Hinh và Sơn Hòa. Việc chủ động phòng chống cháy rừng, đối phó với nắng nóng đang được người dân và chính quyền các địa phương này đặc biệt quan tâm.
Ông So Y Lung ở thôn Hòa Thuận, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa cho biết: Gia đình tôi đào giếng để lấy nước sinh hoạt nhưng do nắng nóng hơn tuần nay nên lượng nước ở giếng ít dần. Hiện chưa phải cao điểm mùa nắng hạn nhưng với tình hình này thì khả năng thiếu nước sinh hoạt ở khu dân cư sẽ xảy ra, chưa kể việc thiếu nước phục vụ sản xuất.
Tình hình nắng hạn được cảnh báo trước nên hiện các ngành, địa phương đã có phương án ứng phó. Ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho hay: Sơn Hòa là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi hạn hán. Trong mùa nắng, các hồ chứa nước, sông, suối trên địa bàn thường bị cạn kiệt, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân.
Trước tình hình này, ngoài việc vận động nhân dân chia sẻ nguồn nước, chúng tôi còn triển khai phương án đảm bảo cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Huyện mong tỉnh cũng như các ngành chức năng tiếp tục tạo điều kiện để địa phương khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Huyện Đồng Xuân cũng thường xảy ra hạn hán kéo dài. Hiện địa phương này đã chuẩn bị sẵn phương án phòng, chống, và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo ngành Điện quan tâm, ưu tiên nguồn điện cung cấp cho các trạm bơm hoạt động chống hạn trong thời gian tới; đồng thời phân bổ kinh phí kịp thời để hỗ trợ cho công tác chống hạn, nạo vét dòng chảy, bơm tưới tại địa bàn.
Còn theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, diện tích rừng tự nhiên của huyện khoảng 27.000ha. Trong mùa nắng hạn năm nay, công tác phòng, chống cháy rừng được địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đã triển khai ngay từ đầu tháng 3.
Huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi các khu vực có nguy cơ cháy để ngăn chặn kịp thời, tập trung lực lượng ứng phó khi xảy ra cháy rừng. Đồng thời, địa phương rà soát, nắm tình hình các khu vực thiếu nước sinh hoạt và các công trình thủy lợi; làm việc với các nhà máy thủy điện để có biện pháp xử lý khi xảy ra tình trạng thiếu nước tưới, sinh hoạt.
Khu vực phường 6, TP Tuy Hòa cần tiếp tục gia cố để chống chọi trong mùa mưa bão năm nay - Ảnh: KHANG ANH |
Sẵn sàng ứng phó bão, lũ, triều cường
Những năm qua, tại các xã Xuân Lãnh, Xuân Long, Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), người dân phải sống chung với lũ; lũ lớn thì phải di dời đến nơi khác. Bà Lê Thị Mãi ở thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2 nói: Vì ở vùng trũng thấp nên năm nào chúng tôi cũng chống chọi với bão, lũ lớn. Mùa mưa, các con sông quanh khu vực bị xói lở nhiều; mưa lớn thì nước ngập nhà, người dân phải đến trú nhờ nơi khác. Mong muốn của chúng tôi là các cấp chính quyền và ngành chức năng đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch một số khu dân cư mới để người dân có nơi ở an toàn khi mưa lũ ập đến.
Di dời dân đến nơi an toàn là cần thiết, song việc cảnh báo sự cố ngập lụt, giao thông… trong mùa mưa cũng cần được quan tâm đúng mức. Theo ông Đặng Lê Tiến, Bí thư Huyện ủy Tuy An, mùa mưa lũ vừa qua, nhiều đoạn đường trên tuyến quốc lộ 1 thuộc địa bàn huyện bị hư hỏng. Tuy nhiên, công tác cảnh báo, cảnh giới mức độ hư hỏng của cơ quan quản lý còn rất kém, gây ra 3 trường hợp tai nạn làm chết người rất thương tâm, chưa kể tai nạn đối với các phương tiện. Năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành chức năng nên có cảnh giới, làm tốt hơn công tác quản lý trên các tuyến giao thông, để không xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Ông Nguyễn Lương Sinh, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Hiện nay trên địa bàn thành phố, một số khu vực ở các xã, phường ven biển như An Phú, Phú Đông đã có kè chắn sóng nên bớt khó khăn khi triều cường xâm thực. Riêng khu vực phường 6, địa phương vẫn đang tiếp tục gia cố đá hộc để xử lý trước mắt phần kè. Về lâu dài, khu vực này cần được xây kè để chống chọi với triều cường trong mùa mưa, bão.
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, trước mùa mưa bão năm 2018, đơn vị đã tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai ở các huyện, thị xã, thành phố, các công trình hồ đập; chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng phương án phòng tránh mưa, lũ, triều cường… Tuy công tác này được chuẩn bị khá tốt nhưng không tránh khỏi thiệt hại.
Trong năm qua, Phú Yên xuất hiện 9 cơn bão, 5 cơn áp thấp nhiệt đới, trong đó có 2 cơn bão số 8, 9 ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh gây mưa lớn trên diện rộng; chịu ảnh hưởng của 19 đợt không khí lạnh, nhiều đợt mưa lớn với tổng lượng mưa đo tại các trạm từ 1.760,1m-2.058,5mm. Lũ, giông sét, lốc xoáy làm cho nhiều nhà bị đổ sập, tốc mái và hư hỏng. Hạn hán, cháy rừng gây thiệt hại cho nhiều diện tích sản xuất lúa, hoa màu, rừng trồng của các địa phương. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 240 tỉ đồng. Năm 2019, ở các vùng trong tỉnh sẽ xảy ra mưa, lũ cực đoan.
Ngoài ra, hiện tượng triều cường, sạt lở đất cũng có nguy cơ diễn biến phức tạp. Do đó, công tác chuẩn bị càng phải được các đơn vị triển khai quyết liệt, tăng cường chủ động về mọi mặt: cơ sở hạ tầng, giao thông, lực lượng, phương tiện tác chiến…
Sắn gặp nắng hạn chậm phát triển - Ảnh: HOÀI NAM |
Trước những dự báo nói trên, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã sớm chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương trong những tháng đầu năm phải tập trung công tác chống hạn để đảm bảo nguồn nước; chuyển đổi giống cây trồng phù hợp; chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện để hỗ trợ người dân trong việc bơm tưới, cung cấp nước sinh hoạt.
Tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo các địa phương tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong việc phòng, chống cháy rừng; đảm bảo không để xảy ra cháy rừng do người dân khai thác nông sản ở khu vực nắng nóng; đồng thời chỉnh trang đê, đập, nhất là các hồ chứa nước thủy lợi.
Đối với các hộ nuôi trồng thủy sản truyền thống có giá trị kinh tế lớn, nhất là những người nuôi tôm hùm, tỉnh đã yêu cầu người dân dãn lồng nuôi, tăng cường quản lý đáy; giúp các đơn vị chuyên cung cấp thức ăn cho tôm hùm được đi làm việc với các tỉnh khác để họ tìm, cung cấp cho người dân các loại thức ăn ít gây ra chất thải môi trường, giúp giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường nuôi.
Công tác quan trắc môi trường cũng sẽ được thực hiện với tần suất dày hơn và thông tin thường xuyên đến các hộ nuôi thủy sản để có những biện pháp phòng tránh kịp thời. Tỉnh cũng chỉ đạo ngành Nông nghiệp tập huấn kỹ năng cấp cứu, di chuyển kịp thời những vật nuôi có giá trị cao, đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đang rà soát những khu vực liên quan tới ngập lụt, xói lở để chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương án 4 tại chỗ, hỗ trợ tốt nhất cho người dân, giảm thiểu thiệt hại. Tỉnh đã đề nghị các địa phương huy động tổng lực, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị để chủ động ứng phó thiên tai; chuẩn bị phương tiện, vật tư, trang thiết bị và kinh phí; tổ chức diễn tập PCTT-TKCN cấp huyện, xã sát với tình hình thực tế; phối hợp với các lực lượng ứng cứu tại chỗ, hỗ trợ người dân các vùng triều cường, ven biển, vùng bị ngập lụt... Tỉnh cũng đề xuất với Bộ GT-VT trong việc cảnh báo, sửa chữa kịp thời những hư hỏng trên các tuyến quốc lộ, nhất là quốc lộ 1, nhằm đảm bảo di chuyển an toàn cho người dân và các phương tiện lưu thông.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh |
KHANG ANH