Ngày 2/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho anh Dương Hồng Quý (43 tuổi, trú TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình). Vào cuối tháng 12/2018, anh Quý chết não đã hiến 7 mô, tạng (một tim, hai phổi, một gan, hai thận, một mạch máu) cứu 6 bệnh nhân đang cận kề cái chết.
Những năm gần đây, việc đăng ký hiến mô, tạng (gọi chung là hiến tạng) được nhiều người dân trong nước hưởng ứng. Nhờ vậy, giúp cho những người mắc bệnh hiểm nghèo đang “thập tử nhất sinh” có cơ hội sống tiếp phần đời còn lại. Trong đó, không thể không trân trọng nhắc tới bé gái Nguyễn Hải An (7 tuổi, trú Tân Mỹ, Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Biết mình sẽ không qua khỏi vì mắc bệnh ung thư thần kinh đệm não cầu, bé quyết định hiến giác mạc và đem lại ánh sáng cho hai bệnh nhân (ca ghép diễn ra thành công vào ngày 26/2/2018).
Qua các phương tiện truyền thông, hành động cao cả của bé Hải An đã nhanh chóng gây xúc động mạnh mẽ và tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực. Cụ thể, theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, hơn 2.300 lá đơn hiến tặng - mức tăng 100 lần tính đến ngày 6/3/2018 bằng cả nửa năm đi vận động hiến tạng ở nhiều địa phương của cán bộ trung tâm - đã được gởi tới đơn vị. Đây là bằng chứng sinh động nhất về ngọn lửa cảm hứng mà bé Hải An đã lan tỏa. Còn chị Hoàng Thanh Phương, vợ anh Dương Hồng Quý, cho biết: “Chồng tôi thường xem chương trình Điều ước thứ 7 của VTV3 về bé Hải An và mong muốn khi chết cũng được hiến tạng như cháu. Bây giờ thì tâm nguyện của anh đã trở thành hiện thực”.
Ở Phú Yên, cho đến nay, chưa có thống kê cụ thể về số người đã tình nguyện đăng ký hiến tạng. Nhưng có thể nói đến trường hợp của anh Đàm Võ Bình Kim Thanh (35 tuổi, quê phường 1, TP Tuy Hòa). Sau khi rời quê vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, với vóc dáng chuẩn và gương mặt điển trai, lấy nghệ danh là Việt Thanh, anh tham gia đóng phim, làm người mẫu cho các tạp chí thời trang hàng đầu Việt Nam… Sau đó, anh rời sàn diễn và tập trung kinh doanh thời trang tại quận 3. Năm 2017, anh đăng ký hiến tạng với thẻ mang mã số: 04775 do đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy cấp. Nói về nguyên nhân hiến tạng, anh Kim Thanh chia sẻ giản dị rằng đây là ước nguyện mà mình đã nung nấu trong lòng khi thức trắng nhiều đêm để nuôi mẹ bệnh vào những ngày cuối đời trong Bệnh viện Chợ Rẫy. Đồng thời muốn góp phần nhỏ bé phục vụ công tác cứu người và phát triển y học.
Hiện nay, ghép tạng là biện pháp duy nhất cứu sống bệnh nhân bị bệnh giai đoạn cuối. Một người hiến tạng có thể cứu được nhiều người khác. Vì thế, rất cần có nhiều cá nhân tự nguyện thực hiện việc làm thầm lặng mà cao cả này. Muốn vậy, người đăng ký hiến tạng phải kiên trì thuyết phục để có sự đồng thuận, nhất trí hoàn toàn của người thân, gia đình, giúp cho việc hiến tạng được thực hiện suôn sẻ. Phải quyết liệt giải thích, phân tích có lý có tình để đẩy lùi những khúc mắc liên quan đến tâm lý, tâm linh, nhất là nếp nghĩ “Ai hiến tạng thì sẽ chết không toàn thây; do đó, hiến tạng là không hợp đạo lý” vẫn còn phổ biến trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, ngành Y tế và các cơ quan truyền thông đại chúng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để cộng đồng ngày càng hiểu rõ ý nghĩa và nhận thấy rằng hiến tạng chính là thiết thực làm điều thiện lành; là gởi lại yêu thương cho đời, là trao truyền sự sống cho người khác sau khi mình đã trở về với cát bụi mà nghĩa cử cao đẹp của bé Hải An là minh chứng đầy thuyết phục.
SÔNG BA HẠ