Chiều 24/11, đồng chí Phạm Đại Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đi kiểm tra việc triển khai ứng phó bão số 9 và lũ lụt tại các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân và Tuy An; đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Tây Hòa và Sông Hinh.
Đồng chí Phạm Đại Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 4 từ phải qua) đang trao đổi và động viên người dân sống ven sông Kỳ Lộ thuộc xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) di dời đến nơi an toàn - Ảnh: ANH NGỌC |
Hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống
Tại huyện Sơn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương cùng đoàn công tác đã kiểm tra phương án ứng phó đối với các vùng dân cư trũng thấp dọc sông Ba, có khả năng ngập lụt ở xã Sơn Hà. Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, huyện có nhiều khu dân cư trũng thấp, có khả năng bị ngập lụt như ở xã Sơn Hà có các vùng dân cư đội 5, đội 6 thuộc thôn Thạnh Hội và đội 3, đội 4 ở thôn Ngân Điền.
Ở thị trấn Củng Sơn cũng có một số khu dân cư ven sông Ba có nguy cơ bị ngập lụt. Huyện Sơn Hòa đã triển khai các phương án phòng tránh và di dời ở các khu vực này đến nơi an toàn. Hiện mực nước sông Ba đoạn qua huyện dưới mức báo động cấp I, nếu lượng mưa đầu nguồn lớn cộng thêm các hồ thủy điện xả lũ thì nguy cơ ngập lụt ở các khu vực này rất cao. Huyện đã phân công cán bộ xuống các địa bàn phối hợp với địa phương triển khai công tác ứng phó với mọi tình huống và phân công trực, sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra…
Tại huyện Đồng Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã kiểm tra các khu vực dân cư ven sông Kỳ Lộ đoạn qua địa bàn xã Xuân Sơn Bắc. Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Trên địa bàn huyện có nhiều khu dân cư ven sông Kỳ Lộ có khả năng bị ngập lụt như các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, Phú Mỡ và thị trấn La Hai.
Các địa phương đã triển khai các phương án phòng tránh và sẵn sàng lực lượng giúp dân di dời, ứng cứu khi có lũ lụt xảy ra. Trước mắt, các địa phương này đã có phương án di dời người dân và vật nuôi đến các khu vực cao. Nếu mưa lớn tiếp tục diễn ra thì dễ xảy ra ngập lụt ở một số vùng dân cư trũng thấp.
Riêng cầu Cây Sung trên ĐT642 đoạn qua xã Xuân Sơn Bắc bị nước lũ chia cắt. Địa phương đã cử lực lượng ứng trực tại đây để đưa người qua lại an toàn; sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất khi bão lũ xảy ra.
Tại huyện Tuy An, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương cùng đoàn công tác đã đến khu vực cầu Cây Cam bị nước lũ chia cắt và đến khu dân cư thôn Mỹ Phú 2, xã An Hiệp có một số hộ dân bị ngập lụt. Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Đến chiều 24, khu vực cầu Cây Cam bị nước lũ chia cắt (có đoạn sâu hơn 1m, nước chảy xiết), cô lập một số khu dân cư ở các xã An Nghiệp, An Lĩnh, An Xuân và An Định. Tại xã An Hiệp, trưa 24/11 do mưa lớn nên nước lũ đổ về làm ngập nhiều nhà dân, nước lũ đã tràn qua đường quốc lộ 1 gây ách tắc giao thông.
Sau khi kiểm tra tình hình thực tế tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương chỉ đạo các sở, ngành và địa phương chủ động triển khai các phương án ứng phó bão lũ. Trong trường hợp xảy ra tình huống xấu thì các địa phương phải báo cáo kịp thời để UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh có hướng chỉ đạo ứng phó kịp thời. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sau khi bão, lũ đi qua thì khẩn trương khắc phục thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cùng đoàn công tác đi kiểm tra một vị trí ngập nước tại xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) - Ảnh: NGÔ XUÂN |
Chủ động đề phòng lũ quét và sạt lở đất
Tại huyện Tây Hòa, mưa lớn kéo dài từ đêm 23-24/11 làm nhiều khu vực, nhiều tuyến đường bị ngập, gây chia cắt cục bộ cho khoảng 1.000 hộ dân, tập trung ở các xã Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây, Hòa Thịnh. Chính quyền các xã phải tổ chức lực lượng chốt chặn, nghiêm cấm người dân đi lại tại các khu vực nguy hiểm bị nước ngập, đồng thời chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ, kiểm tra các phương án phòng chống thiên tai; sẵn sàng tổ chức sơ tán dân ở những khu vực ven sông và vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị lũ lụt đe dọa đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng cảnh giới và hướng dẫn ở các đoạn đường ngập nước; chủ động đề phòng lũ quét và sạt lở đất những nơi xung yếu, bố trí lực lượng xung kích sẵn sàng giúp đỡ người dân khi có tình huống xấu xảy ra.
Tại huyện Sông Hinh, đến chiều 24/11, toàn bộ 15 hồ chứa trên địa bàn do UBND huyện quản lý đều chảy qua tràn tự do, không cửa xả tràn. Mực nước tại các hồ chứa thủy điện trên địa bàn vẫn ở mức bình thường; chưa có nhà máy nào xả lũ. Ngoài ra, trên địa bàn xuất hiện 1 vị trí bị sạt lở tại tuyến đường từ quốc lộ 29 đi xã Ea Lâm bị bồi lấp do đất cát từ sườn đồi tràn xuống đường và 1 vị trí ở xã Ea Bá bị sạt lở lề đường. Ngay trong ngày, địa phương đã tổ chức lực lượng khắc phục xong 2 vị trí trên. Đồng thời, huyện Sông Hinh cũng liên tục nhắc nhở, đôn đốc các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của bão lũ và chủ động phương án ứng phó.
Nước lũ chia cắt các tuyến đường đi các xã An Nghiệp, An Lĩnh, An Xuân, một phần xã An Định (huyện Tuy An) nên người dân dùng xuồng để qua lại - Ảnh: ANH NGỌC |
Đồng chí Trần Hữu Thế đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai, mưa bão của huyện Tây Hòa và Sông Hinh. Tuy nhiên, tình hình mưa lũ trong thời gian tới còn diễn biến phức tạp, vì vậy các địa phương cần tăng cường theo dõi mọi diễn biến của thời tiết; tổ chức tốt công tác phòng chống thiên tai cũng như tuyên truyền, nhắc nhở người dân chủ động ứng phó khi có diễn biến xấu của thời tiết. Các địa phương phải đặc biệt quan tâm tới những khu vực dân cư dọc sông suối và các khu vực trũng, thấp, thường xuyên bị ngập lụt để sớm có phương án di dời, bảo vệ, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân khi có thiên tai, mưa lũ xảy ra.
Trước đó, đồng chí Trần Hữu Thế đi kiểm tra tại khu neo đậu tàu thuyền đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài và vùng nuôi tôm hùm. Đồng chí Trần Hữu Thế đánh giá cao nỗ lực của TX Sông Cầu trong việc giải phóng lồng bè nuôi tôm tại khu vực neo đậu, tạo thông thoáng cho tàu thuyền vào khu neo đậu tránh trú bão. Đồng thời lưu ý địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đề phòng lốc xoáy xảy ra do hoàn lưu bão số 9 có thể gây thiệt hại cho tàu thuyền tại bến bãi và có phương án bảo vệ thủy sản, nhất là tôm hùm, tránh hiện tượng sốc nước do mưa lớn gây ra.
ANH KIỆT - NGỌC CHUNG - NGÔ XUÂN