Chủ Nhật, 28/04/2024 16:38 CH
Lớp nghề đêm ở nhà rông
Thứ Bảy, 24/11/2018 13:00 CH

Một giờ lên lớp học nghề ở Nhà rông thôn Độc Lập C, xã Ea Chà Rang - Ảnh: HOÀI NAM

Ngày đi làm rẫy, tối về người dân thôn Độc Lập C, xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) tranh thủ đến nhà rông học lớp đào tạo nghề nuôi và phòng trị bệnh cho bò. Tham gia khóa học, những nông dân thuộc diện nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nắm vững kiến thức chăn nuôi bò quy mô hộ gia đình, sau đó áp dụng nuôi “đầu cơ nghiệp”.

 

Nhà rông thành lớp học

 

Kpá H Bé, một tuần 3 buổi (thứ 3, 5, 7) tối, đến nhà rông thôn Độc Lập C để học lớp đào tạo nghề nuôi và phòng trị bệnh cho bò. Chị cho biết: Chiều mình đi nhổ sắn, ráng nhổ cho hết đám về nhà thì trời đã sập tối. Lúc đó, bắc nồi cơm, hâm lại nồi cá vừa sôi thì người bạn trong thôn đến rủ đi học, mình chỉ kịp lấy quyển vở cây viết ra leo lên xe đến nhà rông học xong tối về ăn sau. Đó là ngày “kẹt” lên rẫy, còn bình thường chiều ăn uống no nê rồi đến lớp. Tuần học 3 buổi, mình không nghỉ buổi nào.

 

Kpá H Bé còn khoe: Học đông vui ở chỗ, có buổi tối học viên đến sớm gặp nhau hỏi thăm chuyện trồng sắn, mía. Học viên lớp học gặp nhau cách bữa, còn trước đây cùng là chòm xóm trong thôn nhưng cả tháng trời không thấy mặt vì mùa vụ ai lo chuyện nấy, sáng ra đi tứ tản lên rừng ra rẫy, chiều tối mạnh ai nấy về nhà.

 

Tại lớp đào tạo, giảng viên trang bị kiến thức cơ bản cho học viên như kỹ thuật nuôi bò đực giống, bò thịt, bò sinh sản; kỹ thuật phòng trị bệnh cho trâu bò; cách chế biến phụ phẩm từ nông nghiệp làm thức ăn cho bò. Không chỉ học lý thuyết “cứng nhắc”, học viên còn được thảo luận nhóm, thực hành…

 

Anh Kpá Y Luân, lớp trưởng lớp học chia sẻ: Qua lớp đào tạo, tôi nắm vững quy trình kỹ thuật, nâng cao kỹ năng về chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò. Học thì phải hành, tôi không chăn nuôi theo kiểu truyền thống (chăm sóc bò bằng cách tận dụng rơm, rạ và chăn thả bầy đàn) nữa mà áp dụng mô hình mới trong chăm sóc bò, hàng ngày nấu cháo “dinh dưỡng” cho bò ăn.

 

Trước đây, gia đình tôi cũng nấu cháo cho bò bằng rau và cám, giờ nuôi bò lai cho ăn “sang” hơn, nấu gạo, cám, rau muống còn thêm bột bắp, bột đậu tương hoặc chuối băm nhỏ, sau khi múc ra thau cho thêm muối tinh. Cháo được đổ thêm nước trước khi cho bò ăn do đặc tính của loài bò là uống nhiều nước lông sẽ mượt và bóng hơn.

 

Ngoài các bữa cháo chính, các gánh cỏ đầy ắp luôn được xếp trong chuồng để bò có thể ăn cả ngày. Chuồng trại luôn được dọn sạch sẽ, đảm bảo môi trường thoáng mát nhằm tránh dịch bệnh cho đàn bò. Nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi vỗ béo bò, gia đình Kpá Y Luân mua 1 con bò đực giống bò Cọp (bò có bụng rằn ri thuộc giống bò lai Angus), nuôi hơn một tháng, bò bung đùi, đổ thịt thấy rõ.

 

Còn Ksor H Kiều, học viên nhỏ tuổi nhất (16 tuổi), cho biết: Cách đây 2 tháng, gia đình mua một con bò giá 15 triệu đồng. Tôi áp dụng kiến thức khóa học vỗ béo “thúc” bò mau mập, nay con bò nằm giá 20 triệu đồng.

 

Nông dân thực hành vỗ béo bò - Ảnh: HOÀI NAM

 

Học viên đạt khá, giỏi

 

Ông Phạm Minh Nhật, Phó Trưởng Phòng Thông tin Đào tạo (Trung tâm Khuyến nông Phú Yên), cho biết: Lớp đào tạo nghề nói trên được triển khai từ ngày 4/10-15/11/2018, thu hút 35 học viên, trong đó có 11 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số người Ê Đê, 21 học viên thuộc diện hộ nghèo, 2 học viên thuộc diện hộ cận nghèo và 1 học viên thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

 

Ban ngày, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm rẫy nên Trung tâm Khuyến nông Phú Yên “nghiên cứu” mở lớp ban đêm. 1 giáo viên dạy nghề có trình độ kỹ sư là 1 người, dạy 26 buổi, thời gian 205 giờ, trong đó lý thuyết 45 tiết, thực hành 160 giờ. 1 giáo viên dạy nghề có trình độ bác sĩ thú y với 40 buổi dạy, thời gian 160 giờ. Kết quả, cả 35 học viên đều hoàn thành khóa học, được cấp chứng chỉ nghề, trong đó, 17 người đạt giỏi, 18 người đạt khá.

 

Bà Kpá H Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang cho hay: Lớp đào tạo nghề có 35 học viên, đến cuối khóa học, sĩ số vẫn giữ nguyên không “sứt mẻ” (bỏ học) người nào. Học viên tham gia lớp đào tạo nghề nuôi và phòng trị bệnh cho bò tại xã Ea Chà Rang, sau khi hoàn thành khóa học, đã tự tổ chức chăn nuôi bò ở quy mô hộ gia đình, nhóm hộ gia đình.

 

Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, học viên tham dự lớp đào tạo nghề là lao động nông thôn thuộc đối tượng 3 và đối tượng 4 (đối tượng 3 là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo; đối tượng 4 là hộ cận nghèo) nên được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học tập. Mặc dù công việc bận rộn nhưng đa số học viên vẫn cố gắng đi học để có thêm kiến thức áp dụng vào chăn nuôi tại gia đình.

 

Để nông dân xã Ea Chà Rang yên tâm với nghề nuôi và phòng trị bệnh cho bò, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng có những chính sách hợp lý, khuyến khích, ưu tiên, hỗ trợ để nông dân đầu tư phát triển chăn nuôi.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek