An toàn thực phẩm (ATTP) đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Thực hiện chủ đề năm 2018 “Phụ nữ thực hiện ATTP”, các cấp Hội LHPN Phú Yên tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động phụ nữ thực hiện ATTP và nhân rộng các mô hình này tại địa phương, chung tay vì sức khỏe gia đình và cộng đồng.
Thực phẩm bẩn - hiểm họa đối với sức khỏe
Thời gian gần đây, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang trở thành hồi chuông báo động, gây bức xúc, lo lắng trong toàn xã hội. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cho biết: “Theo một nghiên cứu mới nhất của Bộ Y tế, 37% bệnh ung thư của người Việt Nam đều bắt nguồn từ việc sử dụng thực phẩm mất an toàn”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng ATVSTP Phú Yên chia sẻ: “Thực phẩm là nguồn cung cấp dinh dưỡng không thể thiếu trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, hiện nay con người đang phải đối mặt với những thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh về chất lượng, về an toàn trong chế biến, sản xuất. ATTP đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Vì vậy, từng cá nhân, tổ chức cần có trách nhiệm để đảm bảo ATTP cho bản thân, gia đình và xã hội”.
Để nâng cao vai trò của phụ nữ trong công tác đảm bảo ATTP tại địa phương, trong năm 2018, Chi cục ATVSTP Phú Yên phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức tuyên truyền ATTP cho 120 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn TP Tuy Hòa; tư vấn phòng chống ngộ độc thực phẩm cho trên 980 cán bộ, hội viên, phụ nữ ở các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân và TX Sông Cầu.
Các buổi truyền thông, tư vấn này cung cấp cho cán bộ, hội viên ở các địa phương về các tác hại tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả, trong việc sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm trong chăn nuôi đến sức khỏe của con người; tác hại của việc sử dụng rau, thịt, thủy sản không an toàn; nguồn gốc gây ô nhiễm thực phẩm; cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm…
Chia sẻ về vấn đề này, chị Nay Hờ Chăm, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) bày tỏ: “ATTP luôn là vấn đề mà Hội LHPN chúng tôi hết sức quan tâm. Bởi vậy, những kiến thức, thông tin về ATTP mà chúng tôi tiếp nhận được rất hữu ích, thiết thực với tổ chức Hội cũng như phụ nữ trên địa bàn. Chúng tôi sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để chị em hiểu tầm quan trọng của ATTP đối với sức khỏe con người; cách nhận biết, lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn ra sao.
Đặc biệt, đối với chị em kinh doanh, chế biến thực phẩm, chúng tôi thường xuyên vận động chị em không vì lợi ích trước mắt mà nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh thực phẩm gây hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Mô hình “Phụ nữ trồng rau an toàn” của Hội LHPN thị trấn Hai Riêng ra đời năm 2018 cũng không ngoài mục đích đó”.
Còn chị Lê Thị Thu Thanh ở thôn Đại Bình (xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa) thổ lộ: “Trong thời buổi đi ra chợ thì lo ngay ngáy thuốc trừ sâu ngấm vào rau củ quả, sợ u rê ngấm vào cá biển; đi mua thực phẩm bên ngoài thì sợ bị ngộ độc…, tôi mong các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh để xử phạt nghiêm khắc các đối tượng vi phạm ATTP”.
Phát huy vai trò của phụ nữ
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên chia sẻ: Để góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017- 2027; thực hiện chủ đề năm 2018 “Phụ nữ thực hiện ATTP”, Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN các cấp thực hiện vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ cam kết sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn, phụ nữ nói không với việc sử dụng hóa chất.
Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, tham gia các đoàn giám sát liên ngành với Ủy ban MTTQ, HĐND các cấp về vấn đề ATTP; vận động hội viên, phụ nữ tham gia vào các loại hình liên kết trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để xây dựng thương hiệu hàng hóa địa phương. Đồng thời chỉ đạo Hội LHPN các địa phương, các đơn vị xây dựng mô hình ATTP vì sức khỏe cộng đồng. Kết quả, 100% Hội LHPN cơ sở lồng ghép tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện ATTP.
Ngoài ra, các địa phương, đơn vị còn xây dựng một số mô hình tiêu biểu để cung cấp ra thị trường những thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng như: “Tổ phụ nữ sản xuất rau an toàn”, “Vườn rau sạch 3 không”, “Phụ nữ sản xuất rau an toàn vì sức khỏe cộng đồng”, “Tổ phụ nữ làm đậu hũ sạch”, “Phụ nữ làm bún sạch”, “Người tiêu dùng thông minh”, “Chăn nuôi gà sạch”, “Chả cá sạch”, “Hộ gia đình chế biến ruốc cam kết không dùng thực phẩm bẩn”.
Đồng thời vận động hội viên thực hiện “3 không” (không sản xuất rau không an toàn, không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép, không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn); ký cam kết tuân thủ quy định về ATTP, nói không với “thực phẩm bẩn”… Qua đó nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của phụ nữ trong thực hiện ATTP để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường, đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
NGỌC DUNG