Thứ Tư, 27/11/2024 13:35 CH
Phát huy vai trò của phụ nữ trong giải quyết các vấn đề xã hội
Thứ Bảy, 03/11/2018 07:00 SA

Phụ nữ xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) tìm hiểu kiến thức chăm sóc nuôi dạy trẻ theo Đề án 938 - Ảnh: NGỌC DUNG

Trung ương Hội LHPN Việt Nam vừa triển khai thực hiện đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” (Đề án 938) tại Phú Yên. Trao đổi với Báo Phú Yên về những nội dung liên quan, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết:

 

- Đề án 938 được thực hiện dựa trên quan điểm lấy phụ nữ làm trung tâm, vừa là chủ thể hành động, vừa là đối tượng thụ hưởng, đảm bảo giải quyết được một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ.

 

Mục đích của đề án là phát huy nội lực, vai trò chủ động của phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái, góp phần giải quyết các bức xúc trong xã hội có liên quan. Đồng thời nâng cao hiệu quả các hoạt động của Hội LHPN các cấp, thu hút chị em tham gia tổ chức Hội nhiều hơn.

 

Để thực hiện được điều này, Trung ương Hội định hướng, hỗ trợ Hội LHPN các tỉnh, thành triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 938. Trong đề án này, Hội Phụ nữ chỉ là đơn vị chủ trì tham mưu, một khi đề án ban hành, Hội cần có sự chung tay của các cấp, ngành liên quan trong phối hợp tổ chức thực hiện.

 

Đề án 938 thực hiện trong thời gian 10 năm theo 2 nhiệm kỳ của đại hội, gồm hai giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (2017-2022), các cấp Hội tập trung cung cấp kiến thức thông tin hỗ trợ cho phụ nữ. Giai đoạn 2 (2022-2027) sẽ hỗ trợ cho các hoạt động để chuyển đổi hành vi của phụ nữ và người dân ở cộng đồng.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai

* Vì sao Trung ương Hội LHPN Việt Nam lại chọn 3 nội dung để can thiệp là an toàn thực phẩm, giáo dục cha mẹ, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, thưa bà?

 

- Sở dĩ chúng tôi chọn 3 nội dung này vì đây là những vấn đề nóng trong xã hội hiện nay có liên quan đến phụ nữ. Trong giai đoạn 1, năm 2017-2018, chúng tôi tập trung cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, bởi đây là vấn đề nóng nhất hiện nay.

 

Tiếp đến, năm 2019-2020 sẽ tập trung cho công tác giáo dục cha mẹ; năm 2021-2022 tập trung vào phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Theo một nghiên cứu mới nhất của Bộ Y tế, 37% bệnh ung thư của người Việt Nam đều bắt nguồn từ việc sử dụng thực phẩm mất an toàn.

 

Nếu chúng ta không làm tốt việc này thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một trong năm nước đứng đầu thế giới về bệnh ung thư. Riêng về công tác giáo dục cha mẹ, chúng tôi không xác định là vấn đề xã hội mà đây là nội dung giáo dục cha mẹ.

 

Hiện nay, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam chiếm 24,9%. Thêm vào đó, cả nước vẫn còn 90 xã không có trường mầm non. Nhiều trẻ dưới 36 tháng tuổi không được đến lớp. Tỉ lệ trẻ đến lớp mới chỉ có 26,9%, còn lại ở nhà với ông bà, cha mẹ, người giúp việc.

 

Trong khi đó, 1.000 ngày đầu đời trẻ dưới 36 tháng tuổi, nếu chúng ta không tác động, không quan tâm thì chậm cả một đời của con. Bởi vậy mà chúng tôi rất quan tâm đến công tác giáo dục cha mẹ trong chăm sóc, nuôi dạy, bảo vệ trẻ, bao gồm cả phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Vấn đề phòng chống bạo lực gia đình cũng là một nội dung hết sức quan trọng.

 

Ngoài 3 nội dung trên thì việc tuyên truyền giáo dục đạo đức phẩm chất đạo đức và giáo dục pháp luật là các vấn đề xuyên suốt trong các nội dung can thiệp của đề án.

 

Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện thực tế, các tỉnh phát triển thêm các nội dung bức xúc của xã hội ở địa phương. Chẳng hạn, các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La chọn phòng chống công tác tảo hôn cận huyết thống; Hà Tĩnh triển khai vấn đề phụ nữ di cư đi làm ăn xa... Trung ương Hội triển khai đề án ở 16 tỉnh điểm ở các vùng miền khác nhau trong cả nước.

 

Còn các tỉnh, thành khác trong đó có Phú Yên, chúng tôi mong địa phương triển khai 1-2 huyện, thị làm điểm để rút kinh nghiệm sau đó nhân rộng. Việc tổ chức thực hiện đề án cần phải gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” để có sức lan tỏa sâu rộng hơn.

 

* Mục tiêu mà Trung ương Hội LHPN Việt Nam hướng đến trong đề án này là gì, thưa bà?

 

- Chúng tôi hướng đến 6 mục tiêu quan trọng trong Đề án 938. Đó là 20 triệu hội viên, phụ nữ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin kiến thức nội dung đề án; 80% cán bộ chuyên trách của cơ quan chuyên trách, thành viên ban chỉ đạo tham gia thực hiện đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực; tuyên truyền, giáo dục, vận động hỗ trợ 55.000 phụ nữ; 5 triệu phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện vấn đề xã hội.

 

Hàng năm không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời để bảo vệ nhân phẩm người phụ nữ, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng xử lý đúng người, đúng tội, đúng việc. Mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng được ít nhất một mô hình để hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc…

 

* Đến nay, các cấp Hội đã triển khai thực hiện đề án như thế nào, thưa bà?

 

- Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông, hội thảo liên quan đến đề án, xây dựng tài liệu sách, làm phim. Lần này chúng tôi về Phú Yên vừa tổ chức hội thảo, vừa lắng nghe về việc chỉ đạo triển khai đề án này có những khó khăn, vướng mắc gì, sau đó sẽ tổ chức sơ kết đánh giá cuối năm nay.

 

Chúng tôi cũng đã tổ chức các hoạt động truyền thông, xây dựng tài liệu, tư liệu hóa các mô hình, đồng thời hỗ trợ xây dựng các mô hình ở các địa phương… Ở Phú Yên, chúng tôi đã đầu tư dự án Plan mô hình nhóm cha mẹ để hướng dẫn cung cấp kiến thức cha mẹ nuôi dạy con, kỹ năng chăm sóc trẻ để phòng chống suy dinh dưỡng, nói chuyện với con ở độ tuổi vị thành niên…

 

* Bà đánh giá như thế nào về việc triển khai thực hiện đề án này ở Phú Yên?

 

- Tôi đã đi rất nhiều tỉnh, thành. Hiện nay còn 13 tỉnh, thành trong cả nước vẫn chưa thành lập được Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 938. Với Phú Yên, tôi đánh giá rất cao vai trò của Hội LHPN tỉnh trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 938, trong đó đã phân công trách nhiệm rất cụ thể cho các thành viên.

 

Và đặc biệt, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo hỗ trợ kinh phí cho đề án trên 100 triệu đồng. Kinh phí này chưa phải là nhiều, nhưng đó là động thái, là viên gạch đầu tiên mở màn cho năm 2019. Điều đáng quý nhất ở Phú Yên là cấp huyện cũng được hỗ trợ kinh phí để thực hiện đề án.

 

Tôi cho đó là thành công. Thứ hai là sự vào cuộc tích cực của các thành viên Ban chỉ đạo đề án như vai trò của các sở VH-TT-DL, GD-ĐT, Y tế trong việc phối hợp với Hội Phụ nữ triển khai thực hiện đề án. Điều này góp phần giúp cho an sinh xã hội của Phú Yên phát triển tốt; hoạt động Hội ngày càng có chiều sâu, hiệu quả hơn.

 

* Xin cảm ơn bà!

 

NGỌC DUNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek