Thời gian qua, nhiều lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được dạy nghề, học sinh được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và được thu hút về địa phương làm việc. Hàng năm, chính quyền các cấp ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức là người DTTS… Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách này theo hướng bám sát nhu cầu thực tế để người học ra trường được bố trí đúng ngành học và người lao động có thêm nhiều việc làm.
Đồng bào được thụ hưởng
Y Chin là người Ê Đê ở xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), nhiều năm trước được cử tuyển vào Trường đại học Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk), chuyên ngành khoa học cây trồng. Sau khi tốt nghiệp, Y Chin được bố trí làm cán bộ phụ trách nông nghiệp tại UBND xã.
Y Chin cho biết: Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, tôi không có nhiều cơ hội học tập. Nếu không được cử tuyển, tôi không biết thế nào là giảng đường đại học. Sau khi ra trường, tôi được về quê công tác, được bố trí công việc đúng với chuyên ngành mình học. Tôi luôn tâm niệm phải nỗ lực hết mình, mang những kiến thức đã học giúp bà con sản xuất tốt hơn.
Mai Ẻng ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) cũng vậy. Sau khi ra trường, nhờ chính sách thu hút trí thức trẻ và ưu tiên cho con em đồng bào DTTS nên Mai Ẻng được tuyển về UBND xã làm cán bộ quản lý HTX. Theo Mai Ẻng, nhiều bạn bè cùng tuổi ra trường không tìm được việc làm.
May mắn là tỉnh triển khai Nghị quyết 113 của HĐND tỉnh về thu hút trí thức trẻ công tác ở UBND xã tạo nguồn cán bộ làm công tác quản lý nhà nước đối với HTX nông nghiệp, nên Mai Ẻng được tuyển dụng vào làm việc. “Đáp lại sự ưu đãi này, trong quá trình công tác, tôi thường xuyên phối hợp với cán bộ để vực dậy hoạt động của HTX. Hơn 1 năm nay, HTX Dịch vụ tổng hợp Ngân Điền của xã Sơn Nguyên hoạt động hiệu quả, giúp xã hoàn thành tiêu chí 13 về mô hình sản xuất, và xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”, Mai Ẻng nói.
Còn La Lan Min ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), chia sẻ: Em sẽ quanh quẩn với việc làm rẫy, chặt mía, nhổ sắn thuê nếu không được chính quyền địa phương ưu tiên cho đi học nghề sửa chữa xe máy tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Khi mới tốt nghiệp, La Lan Min đi làm thuê ở tiệm sửa chữa xe máy tại TP Tuy Hòa. Sau đó, khi tích lũy đủ vốn và kinh nghiệm, em về quê mở tiệm sửa chữa xe đạp, xe máy. Có nghề trong tay, kiếm được thu nhập bằng nghề nên em rất mừng. Em đang cố gắng đầu tư thêm vốn để mở rộng cửa hàng, sau đó hướng dẫn 3-4 bạn vào làm.
Theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh, hơn 1 năm qua, gần 1.120 đồng bào DTTS ở 3 huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa đã được đào tạo, dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và học nghề dưới 3 tháng. Hiện nay, hơn 830 người đã có việc làm.
Nỗ lực của các địa phương
Ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Tại các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, do điều kiện còn hạn chế nên lực lượng cán bộ, nhất là cán bộ có trình độ còn thiếu.
Để “giữ chân” được nhiều công chức, viên chức yên tâm công tác, tạo nguồn cán bộ tại chỗ, từng bước nâng cao trình độ nhân lực là người đồng bào, UBND huyện đã triển khai quyết liệt các chính sách ưu đãi, cố gắng không bỏ sót các trường hợp đủ điều kiện thụ hưởng, cũng như tạo mọi điều kiện để các đối tượng này được hưởng ưu đãi tốt nhất.
Đến nay, toàn huyện có hơn 3.500 người hưởng phụ cấp thu hút với kinh phí hơn 77 tỉ đồng; 864 người hưởng phụ cấp lâu năm hơn 6,4 tỉ đồng, 140 người DTTS được qua đào tạo cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề…
Còn tại huyện Sông Hinh, 625 người DTTS trong độ tuổi lao động có nhu cầu và được đào tạo sơ cấp nghề. Sau khi tốt nghiệp, 100% được bố trí việc làm; trong đó, 58 người xuất khẩu lao động, 38 người làm việc ngoài tỉnh và 529 người có công việc trong tỉnh.
Theo ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, bên cạnh đào tạo nghề, địa phương chú trọng tới giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo. Hàng năm, Phòng LĐ-TB-XH huyện phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, Trung tâm Giải quyết việc làm tỉnh và các doanh nghiệp, công ty tổ chức các buổi tư vấn việc làm tại các cụm xã. Tại đây, người lao động tìm được việc làm phù hợp, các công ty cũng tuyển được lượng lao động còn thiếu.
Chế độ cử tuyển đồng bào DTTS đi học cũng được UBND huyện Sơn Hòa quan tâm. Theo địa phương này, thời gian qua, huyện đã tuyển dụng, hợp đồng với 5 người DTTS đã tốt nghiệp hệ cử tuyển về công tác tại UBND xã, giúp nâng số công chức, viên chức người DTTS hiện có ở cấp huyện lên 114 người, cấp xã 91 người. Từ đầu năm đến nay, huyện tiếp tục cử tuyển 3 người đồng bào tham gia lớp trung cấp chuyên nghiệp ngành Quân sự cơ sở.
Ông Phạm Ngọc Công, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, cho biết: Thời gian qua, các địa phương khu vực miền núi thực hiện đầy đủ chính sách ưu tiên cho nhân lực là người DTTS, từ đây góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa đồng bằng với miền núi và giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, tỉ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động chưa có nhu cầu học nghề còn cao. Người lao động chủ yếu học nghề trình độ sơ cấp hoặc dưới 3 tháng, còn số người học cao đẳng, trung cấp nghề còn thấp, nên nguồn nhân lực trình độ cao vẫn còn thiếu. Thời gian tới, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức hướng nghiệp cho thanh niên trong độ tuổi lao động, tiếp tục cử tuyển những ngành học theo nhu cầu thực tế của địa phương để con em đồng bào sau ra trường được bố trí việc làm.
MINH DUYÊN