Không chỉ bận rộn vào mùa Tết, hầu như ngày nào người dân Bắc Lý (khu phố 5, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) cũng tất bật với nghề trồng hoa. Dù diện tích không còn nhiều như trước đây và chỉ hơn 50 hộ trồng, nhưng lượng hoa do các hộ này trồng cũng đủ cung ứng thường xuyên cho thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận.
Nhọc nhằn bên những luống hoa
Đi qua đường Nguyễn Thị Định (phường Phú Lâm), chúng ta sẽ thấy những vườn cúc, vạn thọ đua nhau khoe sắc, rực rỡ. Buổi trưa, vợ chồng ông Huỳnh Hữu Thoại vẫn ở ngoài vườn; ông tưới nước, vợ thì làm cỏ, vun gốc cho cây… Nghe những gì họ chia sẻ, tôi hiểu và cảm nhận được tâm huyết mà vợ chồng ông dành cho nghề trồng hoa.
Ông Thoại cho biết: “Trước kia, dân ở đây không trồng hoa mà trồng bắp, mía, sắn… Trước giải phóng, ông Đông Hưng, chủ một tiệm thuốc Bắc ở Tuy Hòa qua đây, nói về ý tưởng trồng hoa. Thấy có tiềm năng nên từ đó người dân nơi đây chuyển sang trồng hoa cho đến bây giờ”.
Trước mắt tôi là thảm hoa cúc. Gần những luống hoa vừa trồng khoảng dăm ba ngày là những luống hoa tươi tốt đang căng nụ. Ông Thoại chỉ tay về phía những luống hoa như đang rạo rực chờ để được đắm mình trong làn nước mát, nói: “Đó, dù một ngày tưới hai lần nhưng đôi khi cũng không đáp ứng đủ, vì khi hoa đã nở thì cần một lượng nước tưới rất lớn. Phải tưới chậm để giữ ẩm được lâu, khi đó thì hoa mới giữ được màu sắc rực rỡ”.
Nắng nóng là mùa của sâu bệnh, thiếu nước; ẩm ướt thì cỏ dại mọc um tùm; gió rét làm cho cây kém phát triển; còn mùa mưa bão thì thấp thỏm đứng ngồi không yên… Cứ thế, theo vòng tuần hoàn của một năm, những người trồng hoa ở đây trải qua bao vất vả. Vậy mà không ai ở Bắc Lý nghĩ sẽ bỏ nghề trồng hoa.
Ông Huỳnh Chạy, người có hơn nửa thế kỷ trồng hoa, nhớ lại: “Năm nào thời tiết không thuận hòa thì người dân ở đây vất vả nhiều. Mưa lớn thì phải canh để tìm cách thoát nước cho vườn hoa, nếu không sẽ bị úng, làm hư hoa. Riêng cơn bão lũ năm 2009, người dân mất trắng vụ hoa Tết”.
Làm đẹp cho đời
Những loại hoa mà người dân Bắc Lý trồng rất có ý nghĩa trong tín ngưỡng của người Việt. Hoa cúc vàng hòe, vạn thọ tượng trưng cho phúc lộc, sự sung túc và trường thọ. Vì vậy, trong việc thờ cúng tổ tiên, lễ Tết thì những loại hoa này trở thành lựa chọn hàng đầu của mọi người, mọi nhà.
Để cho hoa nở rộ vào đúng dịp đầu tháng và rằm thì không dễ chút nào! Ông Huỳnh Chạy tâm sự: “Đáp ứng được lượng hoa trong những đợt này thì người trồng hoa phải có kinh nghiệm. Trồng từ hai tháng rưỡi đến ba tháng, cây mới cho hoa, nên trong một khu đất của từng hộ, họ sẽ phân ra nhiều khu để xuống giống và cứ thế luân phiên trồng xuyên suốt trong năm.
Thời gian đầu, do không biết cách trồng cũng như khi thời tiết thất thường, xử lý không kịp, nhiều lần anh em trồng hoa dở khóc dở cười. Sau đó, anh em ngồi lại để tìm cách và cử một số người khăn gói lên Đà Lạt “tầm sư học nghề”. Nhờ vậy mà thành công mới đến với chúng tôi như ngày hôm nay”.
Ngoài những vụ hoa này, thời gian bận rộn nhất trong năm của người trồng hoa Bắc Lý là thời điểm tháng 10, tháng 11 âm lịch. Bởi lúc này họ tập trung trồng nhiều loại hoa khác như lay ơn các loại, cúc đại đóa, cúc tím…, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Nếu như xã Bình Kiến, phường 9 (TP Tuy Hòa) nổi tiếng với nghề trồng quất, mai; làng hoa Ngọc Lãng tập trung trồng hoa lay ơn vào dịp Tết thì làng hoa Bắc Lý trồng hoa quanh năm. Nhờ thế, mỗi gia đình trồng hoa ở đây có thu nhập từ 80-100 triệu đồng/năm, cao gấp mấy lần so với trồng lúa. Nhiều hộ trở nên khá giả, có điều kiện cho con ăn học từ nghề này.
Nỗi lo giữ nghề
Hiện hầu hết những người trồng hoa ở Bắc Lý đều lớn tuổi, nhưng hàng ngày vẫn cần mẫn với công việc để đem lại cho đời những màu sắc rực rỡ, tràn đầy sức sống. Ông Nguyễn Quan nay đã 70 tuổi, trăn trở: “Khi đời của chúng tôi qua đi, thế hệ con cháu sau này chắc cũng không có đứa nào mặn mà với nghề này. Chúng nó được học hành đến nơi đến chốn và có công việc riêng, nên ép buộc chúng theo nghề của cha ông là rất khó”.
Cùng chung nỗi niềm với ông Quan, ông Huỳnh Hữu Thoại tâm sự: “Tranh thủ những lúc gia đình sum vầy, tôi thường gợi ý cho các con là đứa nào về đây thì ba sẽ cho mảnh vườn và chỉ cách trồng hoa, nhưng tất cả đều lắc đầu”.
Có thể nói là may mắn khi gia đình ông Huỳnh Chạy có người con trai giữa là anh Huỳnh Văn Nhành “bén duyên” với nghề của cha ông. Anh Nhành nói: “Từ nhỏ, tôi thường theo ba ra vườn trồng hoa, từ đó yêu thích nghề này. Nghề này không phải lúc nào cũng có thu nhập ổn định; các yếu tố như thời tiết, sâu bệnh… ảnh hưởng lớn đến năng suất. Tuy nhiên, thu nhập từ nghề trồng hoa cũng đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình”.
Làng nghề trồng hoa Bắc Lý từng rất thịnh nhưng nay diện tích đang thu hẹp dần, đồng nghĩa với việc làng nghề này sẽ mất dần trong tương lai. Lớp con cháu ở làng không mấy hứng thú với nghề này, một phần vì cơ cực với nắng mưa, phần thì tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Huỳnh Minh Lý, Giám đốc HTX Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ Phú Lâm, cho biết: “Trước đây, khi chưa có quy hoạch, toàn bộ diện tích đất ở khu vực Bắc Lý đều trồng hoa. Còn nay, diện tích trồng hoa ở đây chỉ còn khoảng 5ha và chủ yếu là đất vườn của bà con nông dân.
Hàng năm, chúng tôi mở các lớp tập huấn để giúp bà con chủ động nhiều hơn nữa trong việc trồng và chăm sóc hoa. Chúng tôi khuyến khích những người trẻ tuổi ở làng nghề nối tiếp công việc của cha ông để làng hoa luôn khoe sắc cho đời”.
DƯƠNG TRÍ