Người cao tuổi (NCT) thường rất khó vượt qua khó khăn trong việc duy trì tốt các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Do đó, công tác xã hội (CTXH) đối với NCT là cách tiếp cận giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, hoặc giúp họ giải tỏa cảm giác hụt hẫng, mất cân bằng trong cuộc sống.
Cụ Nguyễn Chín, năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn. Cụ thuộc diện hộ cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn ở phường 9 (TP Tuy Hòa), mỗi tháng được hưởng 270.000 đồng từ chính sách trợ giúp NCT của Nhà nước. Cụ Chín chia sẻ: “Cuộc sống bây giờ khó khăn quá, đã làm không ra tiền còn đau ốm liên miên. Mấy tháng trước, tôi trượt chân té, bây giờ phải nằm một chỗ. Tôi có đứa con trai nhưng vừa rồi lại bị tai biến, giờ đây chỉ biết trông chờ vào sự chăm sóc tận tình của con dâu và các cháu”.
Chị Lê Thị Hay, con dâu cụ Chín, nói: “Trước đây tuy cuộc sống khó khăn nhưng cụ ông rất vui vẻ, giờ đây phải nằm một chỗ, tinh thần cũng suy sụp. Hàng ngày, tôi chăm lo ăn uống, sức khỏe, trò chuyện cùng cụ để cụ đỡ buồn tủi. Công việc của tôi như một nhân viên CTXH nên địa phương có chế độ hỗ trợ, nhờ đó, gia đình có thêm ít tiền để trang trải sinh hoạt”.
Nhân Tháng Hành động vì NCT Việt Nam (1-31/10), rất nhiều tổ chức, đoàn thể, các tấm lòng hảo tâm đi thăm hỏi, tặng quà NCT có hoàn cảnh khó khăn. Có thể thấy, đa số NCT đều gặp khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, không chỉ vật chất mà cả tinh thần, và rất cần vai trò của nhân viên CTXH, một mã nghề đã được định danh, nhưng hiện nay chưa được phát triển trong việc chăm sóc NCT.
Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), cho biết: Thời gian qua, hầu hết đối tượng bảo trợ xã hội, NCT khó khăn đã được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như: chăm sóc sức khỏe, trợ cấp xã hội thường xuyên, trợ cấp đột xuất… Tuy nhiên, NCT thường bị suy yếu nên khả năng nghe, nhìn kém, đi đứng khó khăn, phản ứng chậm… nên rất cần người trông coi. Chính vì thế, việc phát triển nghề CTXH chăm lo NCT là rất cần thiết. Nhân viên CTXH hoặc bản thân các thành viên trong gia đình trong vai trò là nhân viên CTXH sẽ tư vấn, hướng dẫn các công việc phù hợp với tuổi già, tạo niềm vui, làm giảm cảm giác lệ thuộc; vận động cộng đồng, lối xóm, quan tâm giúp đỡ NCT neo đơn... giúp họ sống vui sống khỏe.
Bà Nguyễn Thị Hiền, 80 tuổi, ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), là vợ liệt sĩ, bản thân bị địch bắt tù đày, lâu nay được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước, nên cuộc sống ổn định. Năm nay vừa tròn 80 tuổi, nhờ được cán bộ xã hội tư vấn, bà được hưởng thêm chế độ dành cho NCT theo quy định. Bà chia sẻ: “Tôi đã già, may mắn là sống gần con cháu, được chăm sóc, quan tâm nên cuộc sống đỡ vất vả. Nay được hưởng thêm chế độ chính sách của Nhà nước dành cho NCT, có nhân viên CTXH của thị trấn đến hỏi thăm sức khỏe, hướng dẫn các động tác dưỡng sinh và động viên tinh thần, tôi cảm thấy rất ấm áp, phấn khởi”.
Bên cạnh tư vấn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho NCT có hoàn cảnh khó khăn để họ hiểu được những chế độ mà NCT được thụ hưởng, nhân viên CTXH xã, phường, thị trấn thường xuyên giúp đỡ, tư vấn, trò chuyện, lắng nghe NCT. Tuy nhiên, theo ông Đinh Viết Hậu, hiện nay các hình thức chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, NCT tại cộng đồng chưa phát triển mạnh; số NCT được chăm sóc thay thế tại gia đình, cộng đồng còn ít; mức trợ cấp, trợ giúp còn thấp, trong khi đó giá cả thị trường biến động nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống.
Để hỗ trợ, chăm sóc NCT, tỉnh đã triển khai đề án Nghề CTXH. Trong đó chú trọng vấn đề đưa các nhân viên CTXH địa phương đến gia đình NCT để trực tiếp thực hiện các dịch vụ chăm lo, tư vấn, thăm khám sức khỏe…; phấn đấu 100% đối tượng gặp khó khăn, NCT có hoàn cảnh khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời… Đồng thời tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về chính sách trợ giúp xã hội, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội, NCT.
KIM CHI