Tiền lương và các chế độ đãi ngộ thấp, thái độ ứng xử với công nhân không đúng mực là nguyên nhân chính của hầu hết các vụ đình công, ngừng việc tập thể đã từng xảy ra. Thực tế này cho thấy, việc áp dụng cơ chế đối thoại thường xuyên tại nơi làm việc để nắm bắt và giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người lao động (NLĐ) chính là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn xung đột, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.
Cân bằng lợi ích đôi bên
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 80.000 NLĐ đang làm việc ở các doanh nghiệp và các hợp tác xã (hoạt động như doanh nghiệp), trong đó có khoảng 85% đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), còn lại 15% chưa ký HĐLĐ. Đây là một thực trạng mà NLĐ rất thiệt thòi về quyền lợi trong quan hệ lao động. Vì vậy, việc áp dụng cơ chế đối thoại thường xuyên tại nơi làm việc có tác động tích cực đến mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giúp NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp. Đây còn là giải pháp tốt nhằm tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động.
Cách đây không lâu, tại Công ty CP Foodtech chi nhánh Phú Yên (KCN Hòa Hiệp) đã xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp lao động. Cụ thể, một nhóm công nhân tập trung đòi quyền lợi về thời giờ làm việc, ký kết HĐLĐ, BHXH, BHYT, điều chỉnh đơn giá sản phẩm. Thông qua tổ chức công đoàn, NLĐ và doanh nghiệp đã có buổi trao đổi, gặp gỡ để cùng nhau lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ và chia sẻ khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Sau khi các vấn đề tranh chấp được giải quyết thỏa đáng, NLĐ đã trở lại làm việc và hai bên cùng thống nhất ký vào bản cam kết quy ước lao động tập thể với nhiều điểm có lợi hơn cho NLĐ.
“Tôi thấy thỏa mãn với các nội dung được đưa ra giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại giữa NLĐ và doanh nghiệp. Đôi khi chúng tôi cũng có những sáng kiến muốn đề xuất nhưng không phải lúc nào cũng gặp được lãnh đạo; đối thoại là dịp để chúng tôi đề xuất sáng kiến của mình. Mong rằng, các buổi đối thoại được duy trì đều đặn để công nhân có cơ hội thể hiện hết khả năng của bản thân”, chị Lê Thị Hồng Dân, công nhân Công ty CP Foodtech chi nhánh Phú Yên bày tỏ.
Còn tại Công ty CP An Hưng, hàng ngàn công nhân từ lâu đã coi đây như gia đình thứ hai của mình bởi ngoài môi trường làm việc thân thiện, mức thu nhập ổn định thì những tâm tư, nguyện vọng của họ luôn được lãnh đạo doanh nghiệp lắng nghe và thấu hiểu. Bà Bùi Thị Son, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty CP An Hưng cho biết, lãnh đạo công ty luôn chú trọng việc đối thoại với NLĐ. Mặc dù việc tổ chức đối thoại định kỳ 3 tháng/lần theo quy định sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng công ty vẫn tuân thủ nghiêm túc.
“Nội dung các buổi đối thoại tập trung vào 3 vấn đề chính: Bảo đảm điều kiện làm việc tại các xí nghiệp; chế độ phúc lợi cho NLĐ; tình hình sản xuất, kinh doanh tại công ty… Các yêu cầu, kiến nghị của NLĐ tại các buổi đối thoại được lãnh đạo công ty lắng nghe, giải quyết kịp thời”, bà Son nói.
Cần lập những kênh đối thoại
Tại Phú Yên, triển khai Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, bình quân hàng năm có hơn 76,7% doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ; 74% doanh nghiệp xây dựng quy chế dân chủ tại nơi làm việc; 72,4% doanh nghiệp xây dựng quy chế tổ chức hội nghị NLĐ; 54,9% doanh nghiệp xây dựng quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; 71,2% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thương lượng ký kết và sửa đổi bổ sung thỏa ước lao động tập thể. Riêng năm 2018, toàn tỉnh có 70/115 doanh nghiệp xây dựng quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, 45/115 doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc với 59 cuộc…
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, đặc biệt ở cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, kết quả về số lượng và chất lượng đối thoại chưa cao. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm thực hiện nghiêm túc do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Cán bộ CĐCS chủ yếu tập trung công việc chuyên môn, chưa dành nhiều thời gian cho công tác công đoàn nên tổ chức thực hiện vẫn còn hình thức, hiệu quả chưa cao.
Chia sẻ về những vướng mắc trong thực hiện đối thoại định kỳ, theo ông Mã Quang Hưng, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên, phần lớn doanh nghiệp cho rằng, một năm tiến hành 4 lần là nhiều vì họ không bố trí được thời gian hoặc không có điều kiện về kinh tế. “Hầu hết các vụ ngừng việc tập thể đều có nguyên nhân cơ bản là doanh nghiệp né tránh đối thoại với NLĐ.
Việc đối thoại không chỉ diễn ra khi NLĐ cảm thấy quyền lợi chính đáng bị vi phạm mà cả khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Nếu tổ chức đối thoại ít nhất 1 lần/quý giữa người sử dụng với đại diện NLĐ và tiếp tục đối thoại nếu một bên có yêu cầu, các khúc mắc sẽ được giải quyết ngay từ đầu, đảm bảo quyền lợi cả hai bên”, ông Hưng nhấn mạnh. Tuy nhiên, để có được các cuộc đối thoại hiệu quả, đặc biệt trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không hề dễ dàng.
Bà Nguyễn Thị Tàu, Chủ tịch CĐCS Xí nghiệp song mây xuất khẩu Hòa Hiệp cho biết: “Xí nghiệp song mây xuất khẩu Hòa Hiệp là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, với hơn 1.000 lao động. Để có được các buổi đối thoại, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và NLĐ, nhiều lúc đại diện công đoàn cũng phải tranh luận “nảy lửa” với chủ doanh nghiệp mới có thể đạt được các thỏa thuận có lợi nhất cho NLĐ”.
Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả đối thoại tại nơi làm việc, công đoàn cấp trên cơ sở cần chỉ đạo CĐCS thiết lập các kênh đối thoại tại nơi làm việc. Theo ông Huỳnh Kim Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, để tăng hiệu quả đối thoại, mỗi doanh nghiệp cần thiết lập và vận hành kết hợp nhiều kênh đối thoại khác nhau.
Tùy điều kiện, doanh nghiệp có thể lựa chọn kết hợp các kênh đối thoại phổ biến như: Họp trước ca làm việc, lập hòm thư đề xuất, bảng tin, mạng nội bộ, sử dụng tin nhắn điện thoại, bảng biểu dán tại nơi nghỉ giải lao giữa ca… Những việc này góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giúp NLĐ không bị tiết lộ danh tính nếu họ không muốn.
Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 quy định việc đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành định kỳ 3 tháng một lần hoặc theo yêu cầu của mỗi bên. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ bố trí địa điểm và các điều kiện vật chất khác nhau bảo đảm cho việc đối thoại tại nơi làm việc. Hoạt động này giúp giảm nguy cơ tranh chấp lao động, tạo lập các mối quan hệ lao động thân thiện, hài hòa, ổn định và ngày càng tiến bộ.
NGỌC HÂN