Bộ LĐ-TB-XH vừa phối hợp với Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tổ chức đợt huấn luyện, triển khai nghiệp vụ công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho đại biểu thuộc các bộ, ngành và 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; giảm khoảng cách giới tính và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.
Theo báo cáo tại đợt tập huấn, trong năm 2017, việc triển khai công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị, sự tham gia của phụ nữ ngày càng được quan tâm. Việt Nam lần đầu tiên có Chủ tịch Quốc hội là nữ; lần đầu tiên có 3 nữ là Ủy viên Bộ Chính trị; tỉ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội, HĐND các cấp tăng. Trong lĩnh vực lao động việc làm, tỉ lệ lao động nữ có việc làm mới hàng năm chiếm 48,6%; tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 24,8%; lao động nữ có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm 16,1% trong tổng lực lượng lao động nữ. Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, tỉ lệ phụ nữ biết đọc, biết viết đạt 92%; tỉ lệ phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng giúp giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đạt 55,7%; tỉ lệ tử vong bà mẹ giảm xuống còn 58/100.000 trẻ sơ sinh sống. Trong lĩnh vực văn hóa, thông tin đã có chuyên mục phát sóng về bình đẳng giới; thời lượng phát sóng các chương trình về bình đẳng giới ngày càng tăng; vấn đề bạo lực gia đình đã được xã hội vào cuộc.
Tại Phú Yên, việc triển khai công tác bình đẳng giới, phụ nữ tham gia trong hệ thống chính trị các cấp ngày càng tăng, tuy nhiên để đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2020 tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đạt 35-40% còn khoảng cách khá xa. Trong lĩnh vực việc làm, toàn tỉnh đã có nhiều chị em là chủ doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ngày càng đầu tư nhiều cơ sở sản xuất tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trong lĩnh vực giáo dục, tỉnh đã đưa nội dung về bình đẳng giới vào chương trình giáo dục trong nhà trường, từng bước phát huy giáo dục về giới và bình đẳng giới trong các trường học phổ thông; chỉ đạo tổ chức rà soát chương trình sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy để loại bỏ kiến thức, thông tin, hình ảnh gây bất lợi về giới cũng như định kiến giới. Về công tác phát hiện trường hợp bị bạo lực gia đình và tư vấn các nạn nhân bị bạo lực gia đình từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 1.665 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, 81% nạn nhân được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp; 72% người có hành vi bạo lực gia đình được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình...
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết: Công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ là tiêu chí quan trọng để đánh giá tính bền vững của sự phát triển mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Theo Báo cáo của Liên Hợp Quốc đánh giá về kết quả thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ năm 2017, Việt Nam đứng thứ 68/158 các quốc gia. Trong đó, mục tiêu liên quan đến bình đẳng giới là 1 trong 10 mục tiêu có tình trạng tốt nhất.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu, trao đổi, hướng dẫn về nội dung lồng ghép giới tính trong lĩnh vực chính trị; hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (tháng 11/2018); hướng dẫn xây dựng và triển khai mô hình thí điểm thành phố, làng quê an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái; thảo luận về những tồn tại, vướng mắc trong triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các bộ, ngành, địa phương.
THANH THỦY
(Sở LĐ-TB-XH Phú Yên)