UBND tỉnh vừa ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong đó chú trọng đến đa dạng hóa sinh kế để người nghèo có cơ hội thoát nghèo, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, hệ thống chính sách hỗ trợ giảm nghèo cùng với chương trình, mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận được tốt hơn các dịch vụ xã hội, đời sống người nghèo được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2017 còn 7,85% (giảm 2,38% so với năm 2016); tỉ lệ hộ cận nghèo còn 9,1%, số hộ tái nghèo giảm đáng kể, đặc biệt một số xã không có hộ nào tái nghèo...
Chị Hờ Nghen xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) là hộ vừa thoát nghèo năm 2017, chia sẻ: “Năm 2016, gia đình tôi tham gia chương trình vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chăn nuôi bò. Sau gần 2 năm chăn nuôi, bò đẻ ra bê con, tôi mừng lắm. Sau đó, từ số tiền tích góp, vợ chồng tiếp tục mua heo nái về nuôi. Nhờ chăm chỉ chăn nuôi mà hiện nay gia đình tôi đã thoát nghèo và trả bớt vốn vay ngân hàng”. Còn em Trần Ngọc Mai Thy, xã Hòa An (huyện Phú Hòa), sinh viên năm 2, Trường đại học Đà Lạt cũng nhờ nguồn vốn vay dành cho học sinh sinh viên mà gia đình có điều kiện làm kinh tế, có tiền cho em tiếp tục học tập.
Từ đầu năm đến nay, từ nguồn kinh phí vận động, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 240 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách, giúp họ an cư. Ông Nguyễn Minh, thuộc hộ nghèo ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) được Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ xây dựng lại căn nhà. Ngôi nhà Tình nghĩa được tặng có diện tích 40m2, kinh phí xây dựng 70 triệu đồng. Ông Minh bộc bạch: “Gia đình không có đất sản xuất, làm mướn để kiếm sống, không có khả năng cất lại căn nhà đã xuống cấp. Có được ngôi nhà mới, tôi không còn nơm nớp lo sợ mưa gió làm sập nhà, an tâm lúc tuổi già”.
Dù đã có nhiều hộ thoát nghèo, tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh Phú Yên, kết quả hỗ trợ giảm nghèo thời gian qua chưa thực sự bền vững, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, tỉ lệ tái nghèo cao… Do đó, để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nâng cao hơn nữa hiệu quả hỗ trợ giảm nghèo, cần tăng cường và đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo.
Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo, phát huy được vai trò tích cực, sáng tạo của địa phương, của chính bản thân người nghèo, khơi dậy được mối quan hệ, tình đoàn kết, thương yêu nhau trong cộng đồng dân cư trong việc giúp nhau sản xuất... cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo. Nhiều chính sách, giải pháp giúp người nghèo thoát nghèo như: hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, tiền điện cho hộ nghèo, cận nghèo; nhà ở cho hộ nghèo, đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn và khuyến nông - lâm - ngư... Bên cạnh đó, tỉnh giúp hộ nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý cho người nghèo; bảo vệ phụ nữ và trẻ em nghèo.
Mục tiêu năm 2018 là giảm tỉ lệ hộ nghèo 2,3% so với đầu năm 2018 (giảm 5.665 hộ), tỉ lệ hộ nghèo cuối năm còn 5,55%; giảm tỉ lệ hộ cận nghèo 0,41% so với đầu năm 2018.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã cấp 133.651 thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người dân đang sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ tiền điện 18.860 hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 5 tỉ đồng; hỗ trợ vốn tín dụng cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất cho 4.329 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, với doanh số cho vay 137 tỉ đồng; cho vay 2.263 lượt sinh viên, học sinh với doanh số 16 tỉ đồng…
KIM CHI