Thứ Sáu, 25/10/2024 09:21 SA
Quyền tham gia và vai trò của trẻ em trong đời sống chính trị, xã hội
Thứ Ba, 29/05/2018 10:00 SA

Cần khuyến khích trẻ lên tiếng về mọi vấn đề mà trẻ nhận thức - Ảnh: THÚY HẰNG

Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (CRC) thừa nhận các quyền của trẻ em được bày tỏ quan điểm về những vấn đề có liên quan tới các em và quyền được mọi người lắng nghe những quan điểm này. Các quyền này nếu được thực hiện đầy đủ sẽ tạo cơ hội cho trẻ em được thực hiện quyền chính trị, xã hội của mình, trong mối tương quan với các quyền dân sự, văn hóa, kinh tế.

 

Tuyên bố toàn cầu về quyền con người năm 1948 công nhận mọi người đều có quyền có những ảnh hưởng chính trị nhất định: “Mọi người đều có quyền tham gia vào công việc của Nhà nước mình, trực tiếp hoặc thông qua những đại diện do họ tự do chọn lựa”. Tuyên bố này không đặt trẻ em vào ngoại lệ, như vậy trẻ em được bao gồm trong “mọi người”. Sự bao gồm này cũng đồng thời thừa nhận quyền tự do cá nhân có điều kiện của trẻ em, rằng mỗi đứa trẻ có đặc thù riêng và có giá trị tự thân riêng, với tư cách là một con người. Đáng lưu ý hơn khi trong thực tại, trẻ em luôn chiếm từ hơn 20% đến xấp xỉ một nửa dân số của các quốc gia.

 

Do trẻ em không được tham gia bầu cử nên quyền chính trị của trẻ em mặc nhiên bị quên lãng, trong đó có cả các quyền được bày tỏ và được lắng nghe trong các quá trình xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung. Sự lãng quên này bao gồm cả việc quy định quyền chính trị của trẻ em và cách thức cụ thể thực hiện quyền này trong hệ thống pháp luật quốc gia.

 

Các quyền tham gia của trẻ em với vai trò là nguyên tắc và quyền xuyên suốt được thể hiện trong nhiều quyền khác của CRC. Tuy nhiên, kim chỉ nam cho các quyền tham gia được quy định tập trung hơn trong Điều 12, khoản 1: “Các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được quyền tự do bày tỏ những quan điểm đó về tất cả mọi vấn đề có ảnh hưởng đến trẻ em, những quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách thích ứng với độ tuổi và độ trưởng thành của trẻ em”.

 

Quan điểm và quy định này đòi hỏi trước hết Chính phủ có trách nhiệm và chủ động để người lớn nói chung, những người phục vụ trong bộ máy nhà nước nói riêng, luôn tìm hiểu và cân nhắc ý kiến của trẻ em trong mọi vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống của các em. Trách nhiệm này được áp dụng cho cả trẻ em nói chung cũng như trường hợp cá nhân một đứa trẻ. Nhìn ở góc độ quy mô và cơ cấu dân số thì hầu hết các quyết định của Chính phủ, dù ở cấp trung ương hay địa phương đều có các mức độ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến trẻ em. Có thể những ảnh hưởng ít được nhận thấy rõ ràng hơn thuộc các quyết định về kinh tế, hạ tầng cơ sở, quốc phòng.

 

Để trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước và cộng đồng, đồng thời với việc phát hiện, đào tạo các tiềm năng của mỗi đứa trẻ, cần khuyến khích trẻ lên tiếng về mọi vấn đề mà trẻ nhận thức được. Thực tế cho thấy, năng lực tham gia của trẻ nếu được tạo điều kiện trên nguyên tắc tôn trọng, trẻ thường vượt trên sự đánh giá và mặc định của người lớn.

 

HOÀNG LÊ (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek