Ở TP Tuy Hòa có vài quán bánh căn nhưng khách hàng ấn tượng nhất là quán cóc ở góc đường Trường Chinh - Lương Tấn Thịnh. Chỉ với một tấm bạt che từ 5 giờ sáng đến gần trưa nhưng quán ăn này lúc nào cũng tấp nập khách.
Một quán bánh căn - Ảnh: MINH CHÂU
Bánh căn là món ăn dân dã nhưng đậm đà và độc đáo vô cùng. Nguyên liệu cho món ăn này thật đơn giản, gồm: Bột gạo, mỡ hành và nước chấm. Tuy nhiên, phải thật khéo léo mới đổ được một đĩa bánh căn ngon.
Gạo ngâm nước qua đêm rồi đem xay mịn với lượng nước vừa phải và làm ngay trong ngày thì bánh mới ngon. Lò đúc bánh có 10 khuôn tròn đường kính 15cm, mỗi khuôn có một nắp đậy. Khi lửa than trong lò đỏ rực, đổ bột gạo vào khuôn chừng vài phút thì bánh chín vàng rộm. Ngoài bánh căn trần (làm bằng bột gạo) còn có bánh căn trứng. Đánh lòng trắng và đỏ của trứng gà hòa tan vào nhau, khi bánh gần chín, cho trứng lên lớp mặt. Bánh chín, mặt bánh phồng lên một lớp trứng vàng ươm và có hương thơm rất đặc trưng. Cũng có khách hàng yêu cầu trộn trứng vào luôn trong bột hoặc cho thịt bò, mực vào khi đúc để tăng thêm hương vị và dinh dưỡng.
Cái ngon của bánh căn phải kể đến là khâu pha nước chấm. Ớt phải đỏ và được giã nhuyễn cùng với tỏi. Đường và mắm phải được pha trộn sao cho nước chấm có vị đậm đà, vừa ăn nhưng loãng, có thể chan ngập chiếc bánh mà không mặn. Thêm vào mắm là muỗng canh hành lá xào thịt băm nhỏ thơm dịu, không đắng, không hăng.
Người đúc bánh căn cần phải biết kết hợp sự tinh tế, nhanh nhẹn. Một chiếc bánh căn ngon, phải có độ nở vừa, trắng ruột và xốp, trên mặt bánh có lỗ bọt li ti, vỏ bánh vàng và giòn.
Nên ăn bánh căn tại quán. Khi bánh đang nóng và giòn, bỏ vào miệng bạn sẽ thưởng thức được vị ngon của nước chấm có lá hành xào đặc sệt, độ béo, giòn, xốp dẻo của gạo và trứng... Được ngồi bên bếp than hồng, vừa có cái cảm giác háo hức chờ đợi chị bán hàng đưa từng cặp bánh mới đúc còn nóng hôi hổi, vừa được trò chuyện ríu rít cùng bạn bè. Thế mới hay cái thú ăn uống đôi khi không cần cầu kỳ nhưng cũng có thể mang lại nhiều điều thú vị. Ăn 1 khuôn bánh căn trần chỉ với giá 2.500 đồng, bánh có trứng 4.000 đồng là đã no nê.
Chị Võ Thị Thoại đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề đúc bánh căn và cắm quán tại góc đường này chừng 6 năm nay. Chị Thoại học nghề này từ mẹ chồng và xuất xứ của bánh căn là từ Ninh Thuận với nguyên gốc chỉ có bánh trần với nước chấm. Tuy nhiên, khi bánh về các địa phương khác nhau đã có sự “biến tấu” đi ít nhiều.
Ở gần Bưu điện tỉnh Phú Yên, bánh căn được ăn cùng với giá, mắm cái và hẹ. Ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, nước chấm bánh căn gồm mắm cái, mắm đậu phộng, mắm chanh ớt và đặc biệt là nước cá kho. Riêng nước cá kho, thường người ta chưng kho các loại cá biển như cá cơm, cá nục, cá thu… thêm một ít da heo. Khi thưởng thức có thể pha chung các loại nước chấm với nhau hoặc dùng riêng từng loại mắm tuỳ theo sở thích của từng người.
Một người bạn ở Đà Lạt rất hay ăn bánh căn, khi thưởng thức bánh ở Tuy Hòa đã nhận xét: “Bánh căn mỗi nơi có một hương vị khác nhau, bánh căn Tuy Hòa tuy đơn giản nhưng khá đậm đà”.
MINH CHÂU