Thứ Sáu, 25/10/2024 19:22 CH
Xin đừng “lợi dụng” trẻ khuyết tật
Thứ Ba, 22/05/2018 07:00 SA

Cháu tôi bị khờ bẩm sinh. Tướng tá bảnh lắm, hay ăn chóng lớn, chỉ mỗi tội khờ. Lớn xác nhưng nói cà lăm cà lặp, ê một hồi mới được một tiếng, buồn hơn là việc cháu không có khả năng tư duy.

 

Thật khó để dạy cháu một điều gì, cháu hành động theo bản năng là chủ yếu, thích gì làm nấy. Không thể tư duy nên thường thấy người ta làm gì là bắt chước làm theo (dù vụng về) hoặc nghe ai nói gì thì lắp bắp nhái lại… Mẹ tôi cứ than, tội quá, khờ câm khờ đặc rồi sống sao đây…

 

Cháu không học mẫu giáo nhưng 7 tuổi thì chị tôi cũng dắt ra trường cho học lớp một. Học chưa được một học kỳ thì cô giáo tới nhà trình bày chuyện cháu không thể học với những học sinh bình thường được. Cháu chạy nhảy linh tinh, lắp bắp suốt nếu phải hỏi gì đó, tay cứng đơ không cầm bút viết ngay ngắn được một chữ. Cô giáo báo nhà trường chịu thua, vậy là chị Hai cho cháu nghỉ học.

 

Khờ nhưng bù lại cháu có sức khỏe và hay bắt chước. Cháu tới nhà hàng xóm chơi, thấy ai làm gì là theo làm nấy, chị tôi nhiều khi thấy xót nhưng cũng chẳng nỡ nhốt con trong nhà, vậy là dặn, đừng ham làm quá sức, nguy hiểm…

 

Cháu cao to nên mười bốn tuổi đã có thể mang vác như một thanh niên. Ngày mùa, chị tôi cho cháu ra đồng gánh lúa gánh rơm, về nhà khuân cái này vác cái kia.

 

Cháu thấy người ta đi làm phụ hồ, về xin mẹ đi làm kiếm tiền, hàng xóm khuyên cứ cho cháu đi, ra ngoài đời hổng học được nhiều cũng học được ít, vậy là chị Hai cho con đi làm. Có một lần, tới công trường xem con làm lụng ra sao thì chị phát hiện người ta dồn công việc cho cháu, chỉ cần khen là thằng nhỏ làm luôn phần người khác - chị tôi xót con, không cho cháu đi làm nữa.

 

Cháu khờ, trò giải trí duy nhất là nghe nhạc. Nhà anh chị tôi nghèo nên không có dàn nhạc, không có karaoke, vậy là cháu cứ tới nhà chú hàng xóm chơi rồi xin chú ấy mở nhạc cho nghe, nếu may mắn thì có hôm được cho cầm mic hát một bài.

 

Rồi một hôm, cháu cũng sang bên ấy chơi như thường lệ nhưng khi xin được nghe nhạc thì chú hàng xóm bảo, ra dọn sạch chuồng bò rồi vô mở nhạc cho nghe. Không phải một lần mà nhiều lần như vậy. Ngày chị tôi phát hiện thằng con xăn quần hốt phân bò để được nghe nhạc, nước mắt ròng ròng, chị chạy tới tiệm mua nợ dàn máy cho con nghe nhạc.

 

Mới hôm qua, chị gọi điện báo tin cháu bị gãy chân. Hỏi ra mới biết cháu lại qua nhà hàng xóm (không phải nghe nhạc) mà phụ người ta đập phá nhà cũ để xây mới. Ỷ sức và ham làm, cháu xung phong đỡ cây xà ngang to hơn bắp đùi thì bị cây đè xuống chân, sưng phù. Chở đi băng bó, tới ngày tháo băng chân vẫn bầm đen, sưng tím. Chở đi một lần nữa thì phát hiện xương bị vỡ nhiều mảnh… Mình làm mình chịu chứ ai lo, coi như nghèo mang eo, mẹ tôi lại chảy nước mắt, tội nghiệp thằng nhỏ…

 

Mỗi lần nghe các phương tiện truyền thông nói trẻ em khuyết tật thường đối mặt với nguy cơ bị phân biệt đối xử và kêu gọi hãy tạo điều kiện để trẻ tự tin, hòa nhập cộng đồng là tôi đau lòng nghĩ, xã hội có rất nhiều người tốt với trẻ khuyết tật nhưng vẫn còn đấy những người nỡ “lợi dụng” trẻ khuyết tật.

 

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek